Đổi mới phương thức phục vụ tại các bệnh viện tuyến quận, huyện: Hướng đến sự hài lòng của người bệnh
Khu đón tiếp người bệnh tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện đa khoa huyện An Lão) đưa vào sử dụng máy lấy số xếp hàng tự động để phục vụ người dân.
(HPĐT)- Tuy còn nhiều khó khăn, song trong thời gian gần đây, các bệnh viện quận, huyện không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn quy trình khám, chữa bệnh, nâng cao uy tín, chất lượng và hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Cải tiến quy trình khám, chữa bệnh
Vào thứ 2 đầu tuần, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa huyện An Lão thường có rất đông người dân đến khám, chữa bệnh, nhưng hiếm khi thấy tình trạng chen lấn, xô đẩy như nhiều năm trước đây. Tại đây, hệ thống sơ đồ, biển chỉ dẫn và các khu vực khám bệnh theo chuyên khoa, khu đăng ký, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, khu xét nghiệm cận, lâm sàng, cấp thuốc ngoại trú được bố trí liên hoàn, bảo đảm khoa học, hợp lý, thuận tiện cho người bệnh. Trước cửa mỗi phòng khám chuyên khoa đều có bảng LED điện tử thông báo tên, số thứ tự các bệnh nhân đến lượt khám bệnh. Đến bệnh viện khám răng, chị Nguyễn Thị Hà ở xã Tân Dân (huyện An Lão) bày tỏ, mặc dù đông người, nhưng chị cảm thấy khá hài lòng, được xếp hàng đúng thứ tự và được các y tá, bác sĩ hướng dẫn chu đáo.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện An Lão Vũ Văn Vui cho biết, sau khi cải tạo, xây dựng lại khoa khám, chữa bệnh từ năm 2020, bệnh viện mở rộng từ 3 lên 13 phòng khám chuyên khoa. Đồng thời, từ năm 2018, bệnh viện xây dựng và triển khai thực hiện sáng kiến khoa học “hệ thống xếp hàng khám bệnh tự động” cấp Sở Y tế, từng bước công khai minh bạch thứ tự xếp hàng khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh khi xếp hàng khám bệnh tại khoa khám bệnh từ 44,6 phút (năm 2016) xuống còn 25,2 phút. Hằng năm, bệnh viện đều đánh giá hiệu quả thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh để tiếp tục tìm giải pháp điều chỉnh, cải tiến.
Cũng nhằm mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”, từ năm 2020, Trung tâm Y tế huyện An Dương đầu tư cơ sở vật chất để nâng số phòng khám bệnh lên 12 phòng, thay vì 9 phòng trước đó. Riêng khối khám, chữa bệnh có 44 bác sĩ, đạt tỷ lệ cao so với quy định của Bộ Y tế về số bác sĩ/người bệnh tại bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện trang bị mới toàn bộ hệ thống xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, giảm thời gian chờ kết quả xét nghiệm của người bệnh được 1 giờ so với năm 2019. Về điều trị, bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, giảm thời gian điều trị của người bệnh từ 7 ngày sau phẫu thuật xuống 4 ngày.
Trong khối bệnh viện quận, huyện, Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên luôn đi đầu công tác cải cách hành chính và được Sở Y tế đánh giá cao. Không chỉ thực hiện sớm nhất hệ thống xếp hàng tự động, hiện nay, bệnh viện đang triển khai dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh qua điện thoại và thực hiện chữ ký điện tử đối với các khoa khám, chữa bệnh từ tháng 5-2021.
Với sự nỗ lực cải tiến theo hướng hiện đại, rút ngắn thời gian chờ đợi trong quá trình khám, chữa bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, khối bệnh viện quận, huyện đang góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, khẳng định uy tín của ngành y tế thành phố. Kết quả đó thể hiện bằng vị trí thứ 7 của Sở Y tế trong bảng xếp hạng cải cách hành chính năm 2020 do thành phố công bố.
Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa, thu hút người bệnh
Hiện nay, trước áp lực của chính sách thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện cơ chế tự chủ, đòi hỏi các bệnh viện năng động, quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính.
Bác sĩ Vũ Văn Vui, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện An Lão cho biết, mặc dù, bệnh viện đang triển khai thực hiện các phần mềm cho từng khoa khám, chữa bệnh như: phần mềm quản lý đơn thuốc ngoại trú; phần mềm quản lý kê đơn thuốc nội trú…, nhưng đều mang tính nhỏ lẻ do eo hẹp về kinh phí và thiếu nhân lực công nghệ thông tin (hiện tại có 3 cán bộ, nhân viên công nghệ thông tin). Vì đó, bảo đảm phù hợp điều kiện của bệnh viện, đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban trong việc thực hiện nhiệm vụ đề ra, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của đơn vị, nâng cấp phần mềm phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Dương Phạm An Hiện cũng cho rằng, trung bình mỗi ngày, khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận 300 lượt người bệnh, nên bệnh viện sẽ chú trọng công tác cải cách hành chính từ khâu tổ chức đào tạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về “phong cách phục vụ”, đồng thời tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, chuyên sâu hóa các chuyên khoa, tăng cường phát triển các kỹ thuật mới để chăm sóc sức khỏe và tăng sự hài lòng của người bệnh.
Anh Đặng Hải Huyền, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên thông tin, dự tính năm nay, bệnh viện đầu tư thêm 1 máy chủ về dữ liệu hình ảnh, ngoài 2 máy chủ kết nối mạng hiện có. Mặt khác, Phòng Kế hoạch tổng hợp tham mưu lãnh đạo bệnh viện lập dự án đầu tư công nghệ thông tin, hướng đến đầu tư đồng bộ, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để có điều kiện thực hiện bệnh án điện tử theo lộ trình của Bộ Y tế trong thời gian tới, góp phần hiện đại hóa, đồng bộ quy trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Mỗi bệnh viện quận, huyện đều đang có kế hoạch, giải pháp phù hợp riêng để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Mong rằng những cách làm cụ thể đó sẽ phát huy hiệu quả, góp phần đưa ngành Y tế Hải Phòng trở thành trung tâm y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ trong tương lai không xa./.