Giải quyết tranh chấp đất tại thôn Ngô Yến, xã An Hồng theo quy định

11:38 SA 22/05/2023

 

 

Cán bộ địa chính xã An Hồng trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng về nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp. 

 

(HPĐT)- Báo Hải Phòng nhận được đơn của anh Đinh Văn Triển, ở tại nhà số 951 phố Hùng Vương (quận Hồng Bàng) phản ánh việc một phần diện tích đất vườn của gia đình ở thôn Ngô Yến, xã An Hồng (huyện An Dương) bị hàng xóm chiếm dụng làm ngõ đi.

 

Theo nội dung của đơn anh Đinh Văn Triển trình bày, bố mẹ anh có một thửa đất vườn ở tiếp giáp với thửa đất của gia đình nhà anh Hoàng Văn Việt, ở thôn Ngô Yến, xã An Hồng. Trên thửa đất này có một phần diện tích được cắt làm ngõ. Đến năm 2010, khi anh Việt làm tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tuy nhiên, trên những GCNQSDĐ của anh Việt và các con anh Việt lại thể hiện chồng lấn lên phần diện ngõ của gia đình anh Triển. Trao đổi với phóng viên vào sáng 16-5, anh Triển cho rằng: Ngõ của gia đình anh Triển là ngõ đi riêng, không phải ngõ chung của xóm. Trên sổ mục kê năm 1980, bản đồ giải thửa của UBND xã An Hồng có dấu hiệu sửa chữa phần ghi về diện tích đất của gia đình anh với nội dung “ngõ xóm”.

 

Ghi nhận thực tế tại diện tích đất tranh chấp giữa anh Triển và anh Việt cho thấy, phần ngõ đi có chiều rộng khoảng 6 m2, dài hơn 20 m. Ngõ được chia đôi, phần tiếp giáp với đất gia đình anh Việt được tôn cao hơn phần tiếp giáp với đất nhà anh Triển khoảng 0,6 m. Phần ngõ tiếp giáp với đất nhà anh Triển được rào cổng sắt, người khác không thể đi qua.

 

Trao đổi về lý do có sự tranh chấp trên cùng lối ngõ đi, anh Việt cho biết: Khoảng năm 1997, gia đình có cắt một phần đất tiếp giáp với ngõ chung để mở rộng ngõ, để máy tuốt lúa ra vào sân thuận tiện, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến khoảng tháng 5-2021, gia đình anh Việt xây dựng lại nhà, tôn nền ngõ cao lên thì phát sinh tranh chấp với gia đình anh Triển. Sau đó, anh Triển có xây dựng trụ và cổng trên nền ngõ cũ, không cho gia đình anh đi qua ngõ cũ.

 

Thông tin từ đồng chí Trần Thị Dung, Chủ tịch UBND xã An Hồng vào sáng 16-5: Từ năm 2021, sau khi tiếp nhận đơn của anh Đinh Văn Triển, chính quyền địa phương tiến hành hòa giải tranh chấp đất giữa các bên, nhưng không thành. Về nguồn gốc đất, xác minh cho thấy, thửa đất của anh Hoàng Văn Việt thuộc tờ bản đồ số 05, sổ mục kê lập năm 1980; có diện tích 564 m2 đất ao và 832 m2 là đất thổ cư đứng tên ông Hoàng Văn Dùng (bố đẻ anh Việt). Còn theo sổ mục kê lập năm 1993, toàn bộ thửa đất có diện tích 1.434 m2, nằm trên tờ bản đồ số 15, thửa đất số 83A, mang tên anh Hoàng Văn Việt. Theo bản đồ giải thửa lập năm 1993, thửa đất do anh Việt sử dụng có phía Tây và Nam giáp ngõ xóm. Năm 2010, anh Việt tách thửa đất trên cho các con và làm GCNQSDĐ riêng cho từng người. Trên các GCNQSDĐ này đều có thể hiện ngõ đi phía Nam của thửa đất là ngõ xóm rộng 2,8 m.

 

Qua tìm hiểu của phóng viên với các bên liên quan được biết, toàn bộ mảnh đất của gia đình anh Triển và anh Việt trước đây do các cụ Đinh Văn Nhó và Dương Thị Thắm để lại cho 2 người con là bà Đinh Thị Vình (mẹ đẻ anh Việt) và ông Đinh Văn Viền (bố đẻ anh Triển). Sau khi bà Vình và ông Viền mất, thừa kế đất cho các con.

 

Về vụ việc trên, anh Đinh Văn Triển khởi kiện anh Hoàng Văn Việt tới TAND huyện An Dương để đòi quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại do hành vi lấn chiếm, phá dỡ công trình xây dựng, tháo dỡ kiến trúc trên đất. Sau khi TAND huyện An Dương tuyên án sơ thẩm, anh Triển không đồng tình với kết quả và tiếp tục kháng cáo lên TAND thành phố. Đến ngày 12-4- 2023, TAND thành phố có bản án phúc thẩm dân sự số 29/2023/DS-PT không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Đinh Văn Triển về việc yêu cầu bị đơn Hoàng Văn Việt, Hoàng Quý Vân, Hoàng Mạnh Vũ trả lại 21,4 m2 đất tại tờ bản đồ số 15 thôn Ngô Yến, xã An Hồng là ngõ đi riêng; buộc nguyên đơn Đinh Văn Triển trả lại ngõ đi chung (ngõ xóm) có diện tích 170 m2 thuộc tờ bản đồ số 15 thôn Ngô Yến để sử dụng chung.

 

Như vậy, UBND xã An Hồng và TAND 2 cấp giải quyết vụ việc theo quy định. Bản án dân sự phúc thẩm của TAND thành phố có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định, bắt buộc các cá nhân, tổ chức có liên quan chấp hành. Theo quy định pháp luật, trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án của TAND thành phố nêu trên có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó, thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, có thể thấy, để giữ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, các bên cũng cần thay đổi quan niệm, cố gắng nhường nhịn lẫn nhau, bảo đảm có lối đi chung cho mọi người./.