Đăng ký kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giáo dục: Vẫn nhiều vướng mắc, khó quản lý

04:14 CH 26/03/2025

(HPĐT)- 2 tháng đầu năm 2025, số tổ chức, cá nhân mới đăng ký kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giáo dục lên tới gần 1.000 trường hợp. Để quản lý các cơ sở này đòi hỏi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để việc dạy thêm học thêm (DTHT) đúng quy định...


 

Cô và trò Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền) trong một tiết học.


Gia tăng đột biến 

Trước khi Thông tư 29 ban hành, Hải Phòng có 150 doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) lĩnh vực giáo dục và 105 trung tâm bồi dưỡng kiến thức do Sở GD-ĐT cấp phép hoạt động. Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, tính đến 28-2-2025, số tổ chức, cá nhân ĐKKD mới tại Sở Kế hoạch và Đầu tư là 278, tăng gần 185% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục là 73, cấp Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh thuộc doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục là 58 và cấp Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh lĩnh vực giáo dục là 147. Sở GD-ĐT cấp phép thành lập 14 trung tâm bồi dưỡng kiến thức. Phòng Kế hoạch và Tài chính các quận, huyện cấp phép kinh doanh lĩnh vực giáo dục 678 cơ sở. Như vậy, 2 tháng đầu năm 2025, số tổ chức, cá nhân mới ĐKKD liên quan đến lĩnh vực giáo dục gần 970 trường hợp. 

Hiện số tổ chức, cá nhân được cấp phép gồm cả cũ và mới tại Hải Phòng khoảng 1.000 cơ sở, nhưng thực tế, không phải cơ sở nào cũng tuyển sinh tốt hoặc “lấp đầy”. Chị N.T.V, quản lý một cơ sở dạy thêm ở quận Hải An cho biết, đơn vị có 3 cơ sở dạy thêm, tuyển sinh từ cấp THCS-THPT, tuy nhiên, số học sinh đăng ký chưa nhiều do tâm lý các gia đình vẫn muốn con được học chính giáo viên dạy trên lớp. Chị V thừa nhận, học phí tại trung tâm cao hơn so với dạy thêm ở trường nên trước khi bỏ tiền, các gia đình cần tìm hiểu năng lực giáo viên nên chưa “mặn mà”. Cô D, giáo viên một trường THCS thuộc quận Ngô Quyền cho biết, cô và nhiều đồng nghiệp từng đến nhiều trung tâm tìm hiểu, tỷ lệ thỏa thuận kinh phí giữa giáo viên và trung tâm thường 40/60 là không hợp lý. Ngoài ra, lịch học do trung tâm xếp cố định, giáo viên không linh hoạt thời gian như trước đây. Do đó, nhiều người chuyển sang cách nhờ người thân đứng tên đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm để “đầu quân” nhằm chủ động thời gian, mức học phí sẽ “mềm” hơn trung tâm do không phải ăn chia.

Tăng cường quản lý 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu cho biết, do số cán bộ làm công tác quản lý, chỉ đạo của Sở, Phòng GD-ĐT và các phường, xã, thị trấn ít, phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên chưa dành nhiều thời gian theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Các hộ kinh doanh cá thể đăng ký trực tiếp với Phòng Kế hoạch tài chính các quận, huyện để mở cơ sở DTHT, công tác đăng ký và cấp phép hộ kinh doanh cá thể đơn giản và chưa có hành lang pháp lý nên việc quản lý của Sở cũng gặp khó. Theo Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải An Nguyễn Thị Minh Thu, Thông tư 29 quy định trách nhiệm của phòng GDĐT quận, huyện gồm cả quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định, phối hợp cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Nhiều người cũng băn khoăn, sắp tới không còn cấp huyện nên công tác này sẽ do đơn vị nào quản lý... Ngoài ra, không phải trung tâm nào cũng đáp ứng đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất đạt chuẩn, việc giáo viên nhờ người thân đăng ký kinh doanh để “đầu quân” DTHT, số lượng nhiều, rải rác khiến cơ quan khó quản lý và kiểm tra... 

Thông tư 29 mới đi vào cuộc sống được hơn 1 tháng, nhiều trung tâm mới đang “chạy đà” tuyển sinh, nhiều giáo viên vẫn “án binh bất động” nghe ngóng tình hình hoặc thông qua hình thức hộ kinh doanh bắt đầu chiêu sinh. Để tăng cường công tác quản lý DTHT, theo Phó giám đốc Sở Phạm Quốc Hiệu, Sở thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh về DTHT trên địa bàn thành phố. Sở cũng giao Thanh tra Sở phối hợp các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; phối hợp Công an thành phố, Công an địa phương, các cơ quan chức năng và các Phòng GD-ĐT quận, huyện kiểm tra đột xuất DTHT. Trong đó, tập trung hơn vào việc kiểm tra các trung tâm do Sở GD-ĐT cấp phép hoạt động. Sở cũng phối hợp UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra hoạt động DTHT trên địa bàn phường, xã, thị trấn để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm; phối hợp UBND phường, xã kịp thời phát hiện những sai phạm, xử lý sai phạm hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền. Sở tăng cường hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiêm, đúng mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng; tích cực hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu. 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập