Có giải pháp bảo đảm nhân lực ngành đóng tàu
(HPĐT)- Tại hội thảo khoa học "Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu thành phố: Thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp" do Sở Công thương phối hợp Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố tổ chức mới đây, vấn đề được nhiều doanh nghiệp đóng tàu lo lắng, trăn trở là tình trạng thiếu hụt nhân lực. Đại diện các doanh nghiệp thông tin, sau khi thị trường đóng tàu phục hồi, đơn hàng của các nhà máy dồi dào, thậm chí đủ việc làm cho người lao động trong 3-5 năm tới. Theo nhận định, từ năm 2024, ngành đóng tàu bước vào chu kỳ hưng thịnh mới, tuy nhiên tình trạng già hóa lao động, thiếu hụt nhân lực trẻ bổ sung đang trở thành lực cản với ngành trên đường tìm lại “phong độ”.
Lo lắng trên hoàn toàn có căn cứ. Theo thông tin từ Khoa Đóng tàu, Trường đại học Hàng hải Việt Namđơn vị chủ lực về đào tạo, cung cấp kỹ sư đóng tàu cho cả nước và thành phố, số lượng sinh viên đăng ký học chuyên ngành này thời gian qua sụt giảm nghiêm trọng. Nếu năm 2008, số sinh viên đăng ký nhập học là 547 người, đến năm 2019 chỉ còn 50 người. Khi ngành đóng tàu có dấu hiệu phục hồi, năm 2024 nhích lên 165 sinh viên. Tuy nhiên, có thực tế nhiều người sau khi trúng tuyển, nhập học 1-2 năm lại thôi vì nhiều lý do, khiến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp/tổng số sinh viên nhập học chỉ khoảng 50%. Cụ thể, năm 2022, 2023, số sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan đến đóng tàu của nhà trường lần lượt là 48 và 38. Đã ít, nhiều sinh viên ra trường lại tìm, làm công việc “trái ngành, trái nghề” thay vì vào các nhà máy đóng tàu. Việc thiếu hụt sinh viên trong thời gian dài cũng khiến cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thực hành, thực tập không được quan tâm đầu tư, xuống cấp; đội ngũ giảng viên xáo trộn.
Cung không đủ cầu nên các doanh nghiệp đóng tàu hiện đều rơi vào tình trạng chung "đỏ mắt tìm nhân lực". Đại diện Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng cho biết, tháng nào đơn vị cũng đăng thông báo tuyển dụng nhân sự, nhưng trong 6 năm (từ 2019 đến tháng 10- 2024), chỉ tuyển mới được 20 kỹ sư. Tương tự, Công ty TNHH Đóng tàu Damen Sông Cấm chạm ngưỡng công suất tối đa 40 tàu/năm. Năm 2025, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng nhà máy, tăng gấp đôi công suất. Tuy nhiên, làm thế nào tuyển đủ nhân lực vận hành đang là mối lo hàng đầu của đơn vị.
Theo dự báo trong thời gian 10 năm tới, ngành đóng tàu thế giới và Việt Nam bước vào chu kỳ thịnh vượng mới. Điều này đến từ quy mô vận tải hàng hóa bằng đường biển tăng nhanh; các hãng tàu phải đóng mới nhiều tàu sử dụng công nghệ hiện đại, xanh để thay thế các lớp tàu hết hạn khai thác... Đây thực sự là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đóng tàu của Hải Phòng nắm bắt, vươn lên.
Trong Quyết định 1516/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: “…khôi phục lại một số ngành công nghiệp trước đây vốn là thế mạnh của Hải Phòng, đặc biệt là đóng mới và sửa chữa tàu biển”. Thực hiện nhiệm vụ trên, bên cạnh phát triển các khu công nghiệp đóng tàu tập trung và các ngành liên quan như cơ khí, luyện kim, điện, điện tử…, để đáp ứng nhu cầu nhân lực, thành phố và Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên vào học các chuyên ngành đóng tàu. Doanh nghiệp đóng tàu cần tích cực góp sức như cấp học bổng đối với sinh viên, đặt hàng để bảo đảm việc đào tạo sát với thực tế công việc. Có được nguồn nhân lực mạnh sẽ là yếu tố quan trọng để ngành đóng tàu Hải Phòng phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.