Trách nhiệm cao với quyền lợi người bệnh
(HPĐT)- Trước những phản ánh của người dân về công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) gần đây đang có khá nhiều “sạn”, gây tâm lý bức xúc, khó chịu, phiền hà cho người bệnh, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 1773 ngày 10-6-2024 về việc tăng cường bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT. Qua ghi nhận từ thực tế, có tình trạng người khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT không được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định, phải tự mua thuốc, thiết bị y tế, thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thuộc trách nhiệm của quỹ BHYT; không được cơ sở y tế chấp nhận giấy chuyển tuyến trong năm tài chính; phải xếp hàng chờ đợi lâu với nhiều thủ tục; phải tạm ứng tiền trước để thực hiện dịch vụ kỹ thuật… Trong khi cả hệ thống chính trị đang ra sức chung tay mở rộng tỷ lệ bao phủ, hướng đến BHYT toàn dân, những phiền hà, vướng mắc, hạn chế nêu trên vô hình trung gây ra những ý kiến trái chiều, làm giảm niềm tin của người dân vào chính sách hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay không phải là vấn đề mới mà kéo dài “dai dẳng” từ năm 2022 đến nay. Cũng như nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, Hải Phòng cũng không tránh khỏi tình trạng khan hiếm một số loại thuốc và vật tư y tế, ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị bệnh. Theo các cơ sở y tế, mặc dù được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không có đơn vị tham gia đấu thầu, có gói đấu thầu xong nhưng tỷ lệ trượt thầu lớn do giá kế hoạch xây dựng thấp, chưa phù hợp… Mặc dù khan hiếm một số loại thuốc, vật tư y tế, nhưng phần lớn các cơ sở luôn nỗ lực bảo đảm quyền lợi cho người bệnh bằng nhiều cách thức khác nhau. Thế nhưng, ở đâu đó, còn tình trạng, người bệnh phải tự mua một số thiết bị y tế, loại thuốc.
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh BHYT. Nhưng kèm theo đó là các điều kiện ngặt nghèo, chặt chẽ, dẫn đến nhiều lo ngại, băn khoăn rằng “chi dễ, khó đòi”. Để bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ sở y tế. Trường hợp không đủ điều kiện cung ứng thuốc, vật tư y tế hoặc vượt quá khả năng chuyên môn, cần chuyển người bệnh đến cơ sở có đủ điều kiện, không để người bệnh phải tự chi trả các chi phí thuộc phạm vi, quyền lợi hưởng BHYT.
Bên cạnh “thiếu sót” về bảo đảm quyền lợi, người bệnh có thẻ BHYT còn băn khoăn đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ sở y tế hiện nay. Theo đó, thay vì phải xuất trình thẻ BHYT giấy, người bệnh có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID, ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số. Thế nhưng, có trường hợp cơ sở từ chối tiếp nhận bằng các hình thức khác, chỉ nhận thẻ BHYT giấy. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương về chuyển đổi số của Chính phủ, dẫn tới người chờ đợi bị “ùn ứ”, “tắc nghẽn”, phải xếp hành chờ đợi thời gian dài.
Tính đến hết tháng 5-2024, Hải Phòng có khoảng 1,94 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,20% dân số toàn thành phố. Số người tham gia BHYT ngày càng tăng, quyền lợi ngày càng được mở rộng, đòi hỏi cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan tập trung cao bảo đảm quyền lợi người bệnh. Đồng thời, chú trọng cải cách thủ tục từ tiếp nhận, khám, điều trị đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Bên cạnh đó, chú trọng nắm bắt, tiếp nhận, xử lý những ý kiến, thắc mắc của người bệnh liên quan đến việc khám, chữa bệnh BHYT để kịp thời giải quyết thỏa đáng với phương châm “đặt quyền lợi của người có thẻ BHYT lên trên hết”.