Huyện An Dương: Đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ sở tôn giáo

Đình Vĩnh Khê (xã An Đồng) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
(HPĐT)- Năm 2024, huyện An Dương đặt mục tiêu 50% số cơ sở tôn giáo trở lên đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo của huyện An Dương còn chậm.
24/67 cơ sở được cấp giấy
Trên địa bàn huyện An Dương có 67 cơ sở tôn giáo, trong đó 60 cơ sở phật giáo, 7 cơ sở công giáo. Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương, đến nay, toàn huyện có 24 cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo lý giải của Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương Phùng Xuân Giang tại các kỳ họp HĐND huyện và hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện, nguyên nhân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo chậm do còn nhiều vướng mắc. Năm 2019, hầu hết cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện được đo đạc xác định hiện trạng sử dụng đất. Nhưng đến năm 2023, khi huyện tiến hành lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận, các đơn vị đều đề nghị đo lại hiện trạng sử dụng đất do thay đổi hiện trạng, thay đổi công trình trên diện tích đất. Mặt khác, hiện trạng sử dụng đất của hầu hết cơ sở tôn giáo đều mở rộng so với trước do nhận hiến tặng, chuyển nhượng… nhưng lại không cung cấp được giấy tờ chứng minh nên quá trình hoàn thiện hồ sơ, xác minh nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất mất nhiều thời gian. Hệ thống tài liệu hồ sơ địa chính qua các thời kỳ lưu trữ không đầy đủ, độ chính xác hạn chế...
Ngoài ra, người đại diện cơ sở tôn giáo chưa hiểu đúng chủ trương của thành phố trong công tác cấp giấy nên trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, có đơn vị chưa phối hợp tốt; việc hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo còn chậm do người đại diện của một số cơ sở tôn giáo không thường xuyên có mặt tại địa phương…
Phối hợp tháo gỡ
Năm 2024, một trong chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy An Dương đề ra là từ 90% số cơ sở tôn giáo trở lên đang sử dụng đất được lập hồ sơ đăng ký đất đai, 50% số cơ sở tôn giáo trở lên đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, từ nay đến cuối năm, khối lượng công việc còn rất lớn. Để hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với cơ sở tôn giáo, huyện tập trung hoàn thiện hồ sơ để sớm hoàn thành cấp giấy đối với những cơ sở tôn giáo đủ điều kiện và được sự đồng thuận của các chức sắc quản lý cơ sở tôn giáo; đối với những cơ sở còn có vướng mắc, phối hợp với sở, ngành thành phố tháo gỡ từng bước...
Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương Phùng Xuân Giang, thực hiện nhiệm vụ huyện giao, phòng cử công chức, UBND xã, thị trấn cử công chức phụ trách, tập trung hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo, giải quyết các vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, đề nghị cơ sở tôn giáo cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến phần diện tích đất mở rộng để thực hiện cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính làm cơ sở xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, xác định ranh giới, mốc giới hiện trạng sử dụng đất. Ghi nhận từ thực tế tại một số địa phương, công tác phối hợp hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo được tập trung thực hiện. Song, tại một số địa phương, công tác này gặp khó khăn, nhất là sự phối hợp của các cơ sở tôn giáo. Đơn cử việc cấp giấy cho 1 chùa tại xã An Hưng. Hiện trạng sử dụng đất của cơ sở này là 19.351 m2. Song, căn cứ giấy tờ pháp lý của địa phương, diện tích “gốc” của cơ sở này là 9.464 m2. Triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, địa phương, phòng, ban chức năng của huyện làm việc và vận động trụ trì hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích “gốc” trước, sau đó làm tờ trình đối với phần diện tích mở rộng. Nhưng trụ trì không hợp tác, nhất quyết yêu cầu phải cấp đủ đối với phần diện tích hiện trạng dù được giải thích, trao đổi, vận động.
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo là chủ trương đúng, trúng, không chỉ tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo được thực hiện các quyền lợi, còn giúp công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tôn giáo thuận lợi. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, cần sự phối hợp tích cực của các cơ sở tôn giáo và sở, ngành thành phố trong giải quyết khó khăn, vướng mắc.