Huyện An Dương rà soát, kiểm tra hoạt động các nhà máy nước mini: Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước

09:37 SA 11/06/2024

 

Để bảo đảm yêu cầu dịch vụ, chất lượng nước sinh hoạt, nhà máy nước Dụ Nghĩa (xã Lê Thiện) tập trung đầu tư công nghệ xử lý nước, nâng công suất.

 

(HPĐT)- Thực hiện chỉ đạo của thành phố về các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cung cấp nước sạch khu vực nông thôn, huyện An Dương tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hoạt động của các nhà máy nước mini trên địa bàn.

Hoàn thành ký kết điều chỉnh dịch vụ cấp nước

 Bám sát chỉ đạo của UBND thành phố tại Kế hoạch số 320 ngày 13-12-2023 về triển khai thực hiện các nội dung bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 về nước sạch nông thôn, UBND huyện An Dương ban hành kế hoạch thực hiện, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, thời gian hoàn thành và phân công nhiệm vụ cụ thể từng phòng, ban, đơn vị, UBND xã.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương Nguyễn Văn Toản thông tin, thực hiện kế hoạch, đến nay, UBND các xã hoàn thành thương thảo, ký kết điều chỉnh dịch vụ cấp nước theo đúng quy định của bộ, ngành Trung ương và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các phòng chuyên môn, UBND các xã rà soát thực trạng hoạt động các nhà máy nước; rà soát hộ dân chưa được sử dụng nước sạch. Theo đó, hiện 100% số hộ dân đều được sử dụng nước sạch trong vùng phục vụ đã ký kết. Trong tháng 5 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện tổ chức lấy mẫu kiểm tra tại 6 nhà máy nước mini.

Qua kết quả rà soát, trên địa bàn huyện hiện nay có 15 nhà máy nước mini được xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn từ năm 2001-2015. Trong đó, có 9 nhà máy đang hoạt động gồm: Dụ Nghĩa, Kim Sơn, Tân Tiến, Nam Sơn, Hồng Phong, An Hoà 1, An Hoà 2, An Hoà 3, An Hoà 4; 6 nhà máy nước dừng hẳn hoạt động gồm Đặng Cương 1, Đặng Cương 2+3, Quốc Tuấn 1, Quốc Tuấn 2+3, Hồng Thái, Bắc Sơn. Các nhà máy nước được xây dựng từ năm 2002-2011; tổng công suất thực tế đang sử dụng 13.000 m3/ngày đêm. Hiện nay, các nhà máy nước cung cấp nước phục vụ 14.545 hộ dân và 94 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn huyện (chiếm khoảng 20% dân số toàn huyện). 9/9 nhà máy nước đang hoạt động đều nộp thuế tài nguyên nước. Trong đó, 6 nhà máy được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác sử dụng nước mặt với thời hạn từ 5-10 năm.

Cũng qua đánh giá sơ bộ, có 3/9 nhà máy nước hoạt động tốt với công suất từ hơn 2000 m3/ngày đêm trở lên gồm nhà máy nước Dụ Nghĩa của Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ cấp nước sạch Lê Thiện; nhà máy nước Kim Sơn của Công ty TNHH Xây dựng Thanh Bình và nhà máy nước Nam Sơn của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam Sơn; 6 nhà máy nước còn lại hoạt động bình thường với công suất từ 200-500 m3/ngày đêm.

Kiểm tra, giám sát chặt chất lượng nước cấp

 Thực tế kiểm tra tại một số nhà máy nước trên địa bàn An Dương cho thấy, đơn vị chú trọng bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng nước, đồng thời có nhu cầu, khả năng mở rộng quy mô, công suất. Đi vào hoạt động từ năm 2003, hai công trình cấp nước của nhà máy nước Dụ Nghĩa (xã Lê Thiện) có thiết kế tổng công suất ban đầu 700 m3/ngày đêm. Trước nhu cầu của người dân, cơ sở đầu tư hơn 40 tỷ đồng để nâng công suất cũng như công nghệ xử lý nước. Giám đốc Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ cấp nước Lê Thiện Trương Văn Trường cho biết, hiện tổng công suất tối đa của nhà máy nước lên đến 12.000-15.000 m3/ngày đêm. Qua nội kiểm và ngoại kiểm, đây là 1 trong 21 nhà máy nước khu vực nông thôn được thành phố đánh giá hoạt động tốt, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Nhờ vậy, lượng khách hàng của nhà máy tăng mạnh so với thời gian đầu. Đến nay, nhà máy cung cấp dịch vụ cho khoảng 70% số hộ dân trên địa bàn xã Lê Thiện, 100% số hộ dân trên địa bàn xã Đại Bản, các doanh nghiệp trên địa bàn xã An Hưng. Để tiếp tục phục vụ tốt nhu cầu nước sạch của người dân, nhà máy mong muốn mở rộng diện tích, nâng công suất, sản lượng nước cũng như có thêm các điều kiện để áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến, hiện đại.

Còn theo ông Ngô Văn Chiên, Giám đốc Công ty TNHH TM và Dịch vụ điện nước Huy Chiên, trong số 4 nhà máy nước mini đang hoạt động trên địa bàn xã An Hoà, doanh nghiệp quản lý, vận hành 2 nhà máy. Để phục vụ nhu cầu, doanh nghiệp đầu tư 2 nhà máy nước với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Qua thực hiện chủ trương của thành phố về nhiệm vụ giải pháp cấp nước sạch nông thôn, ông mong muốn được nâng cấp, mở rộng quy mô nhà máy nước để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về chất lượng nước cũng như áp lực nước.

Để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn, huyện An Dương tiếp tục yêu cầu các đơn vị cấp nước thực hiện nghiêm các chỉ đạo về nội dung nội kiểm, vệ sinh chất lượng nước…, đồng thời tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trường hợp các nhà máy nước không bảo đảm chất lượng nước theo quy định sẽ triển khai các giải pháp xử lý theo chỉ đạo của thành phố. Tại hội nghị nghe báo cáo kết quả rà soát nhà máy nước mini vào ngày 4-6 vừa qua, đối với các nhà máy nước đang hoạt động, Chủ tịch UBND huyện An Dương Phạm Việt Hùng giao Trung tâm Y tế huyện thực hiện kế hoạch kiểm định chất lượng đầu ra nước sinh hoạt bảo đảm tiến độ thời gian; trường hợp không bảo đảm chất lượng nguồn nước, thiết lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định. UBND các xã tập trung rà soát hợp đồng, hồ sơ về hoạt động kinh doanh nước; yêu cầu cam kết bảo đảm chất lượng nguồn nước theo hợp đồng thoả thuận cấp nước…

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập