Tích tụ ruộng đất tại huyện Kiến Thụy: Phát triển nông nghiệp bền vững hơn

Huyện Kiến Thụy ban hành nghị quyết, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp.
Trong ảnh: Nông dân HTX nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng chăm sóc rau hữu cơ trong nhà lưới.
(HPĐT)- Tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi phù hợp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp bền vững. Huyện Kiến Thụy cũng thực hiện nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích việc tích tụ đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Đa dạng các mô hình tích tụ
Nhận thấy nhiều diện tích ruộng bị bỏ canh tác, được sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình anh Vũ Văn Đoàn và chị Ngô Thị Nhâm (xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy) vận động các hộ dân cho thuê lại gần 5,3 ha ruộng sâu trũng để cải tạo trồng sen, phát triển chế biến đa dạng sản phẩm. Trong đó, sản phẩm tinh bột củ sen và trà củ sen được đánh giá OCOP 3 sao, được người tiêu dùng đón nhận. Phó chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Nguyễn Thống Nhất cho biết, từ năm 2017, một số hộ dân của xã nghiên cứu, học tập và bắt đầu trồng sen, mang lại giá trị cao hơn so với cấy lúa. Từ hiệu quả các mô hình, địa phương xây dựng cây sen trở thành cây chủ lực, hướng tới thị trường xuất khẩu. Dự kiến trong năm nay, xã tích tụ 40-50 ha trồng sen và đến năm 2025 khắc phục toàn bộ 100 ha đất ruộng bỏ canh tác lâu năm.
Năm 2022, qua quá trình khảo sát khu vực cánh đồng dồn điền đổi thửa tại thôn Phong Cầu 1 (xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy), anh Lã Hà Thắng (Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao xã Đại Đồng) cùng cán bộ địa phương gặp gỡ, vận động 8 hộ dân, tích tụ được hơn 1,2 ha đất nông nghiệp với hình thức thuê đất, thời hạn 5 năm. Trên diện tích này, anh Thắng thành lập hợp tác xã, lập phương án sản xuất và xây dựng hơn 30 nhà lưới (diện tích 250 m2/nhà) để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gieo trồng các loại rau quả. Hiệu quả bước đầu mô hình cho doanh thu 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động, HTX đang tiếp tục đầu tư thêm 1,5 ha đất nông nghiệp tại xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy) để mở rộng sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết số 08, ngày 25-4-2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy về tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các mô hình tích tụ ruộng đất. Sau hơn 1 năm thực hiện, các địa phương triển khai 70 mô hình với tổng diện tích 467,48 ha, trong đó khắc phục 290,81 ha ruộng bỏ hoang đưa vào sản xuất (đạt 82% kế hoạch giai đoạn, khắc phục 38,3% diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn).
Sớm có hướng dẫn cụ thể
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy Lê Thị Thanh Huyền, để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong việc tích tụ ruộng đất, vận động người dân cho thuê ruộng, một số địa phương hỗ trợ không thu tiền thuê ruộng trong 1- 2 năm đầu khi triển khai, hướng dẫn thủ tục tích tụ. Năm 2024, UBND huyện đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 24 mô hình đất lúa (diện tích 253,8 ha) từ nguồn kinh phí bảo vệ đất trồng lúa. Trong đó, hỗ trợ chứng nhận VietGAP và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 2 phương án sản xuất trồng trọt: mô hình khoai lang 4 ha tại xã Đại Hợp; mô hình lúa 5 ha tại xã Đông Phương. Hiện nay, có 46/70 mô hình tích tụ ruộng đất tại huyện (thuộc 13/17 xã) lập hồ sơ tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, đa số các hộ mới thực hiện một phần thủ tục, hồ sơ chưa đầy đủ, còn thiếu phương án sản xuất, thiếu đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quyết định phê duyệt phương án sản xuất…
Anh Lã Hà Thắng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao xã Đại Đồng cho biết, để đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần diện tích đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi. Song hiện việc xây dựng vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp chưa hợp lý, một số hộ muốn giữ ruộng để tự canh tác nên đất sản xuất manh mún. Ngoài ra, hợp đồng thuê đất thời hạn 5 năm chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp đầu tư, bảo đảm thu hồi vốn.
Năm 2024, UBND huyện Kiến Thụy chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp địa phương rà soát nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đề xuất UBND thành phố. Đến nay, UBND thành phố chưa ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2024. Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Lưu Văn Thụy cho biết, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã có ít nhất có một mô hình tích tụ ruộng đất mới đáp ứng tiêu chí vùng sản xuất tập trung; giai đoạn 2023-2025 triển khai tích tụ được 500 ha và khắc phục 350 ha ruộng bỏ canh tác, đối với các mô hình tích tụ ruộng đất, trước mắt, UBND huyện ban hành hướng dẫn tạm thời hồ sơ các mô hình tích tụ ruộng đất xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Trong đó, yêu cầu các ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, không được phá vỡ mặt bằng ảnh hưởng đến tái sản xuất nông nghiệp về sau. Đối với các mô hình cụ thể, khi có văn bản xin tham vấn của các địa phương, UBND huyện chỉ đạo các ngành hướng dẫn cụ thể, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi cho người dân khi tham gia thực hiện các mô hình tích tụ ruộng đất.