Huyện Kiến Thụy: Nâng cao hiệu quả quản lý chợ
(HPĐT)- Trên địa bàn huyện Kiến Thụy có 21 chợ, chủ yếu là chợ dân sinh. Tuy nhiên, việc vận hành, khai thác hệ thống chợ hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ với tốc độ đô thị hóa, khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn, do đó, cần sớm có các giải pháp tháo gỡ.
Thiếu nguồn vốn để tái đầu tư
Chợ Trung tâm xã Tú Sơn (xã Tú Sơn) là chợ hạng 3, rộng gần 3.000 m2, với khoảng 30 ki-ốt và có gần 100 tiểu thương kinh doanh nhiều mặt hàng. Từ năm 2019, thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo hình thức xã hội hóa, Công ty CP Đầu tư Tú Sơn thuê đất, tiếp nhận quản lý, đầu tư mở rộng chợ theo hướng khang trang, bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và an toàn giao thông... Các gian hàng được sắp xếp khoa học, thuận tiện cho tiểu thương buôn bán; hệ thống phòng, chống cháy nổ theo đúng thiết kế được phê duyệt. Tuy nhiên, chợ hoạt động chủ yếu vào tầm chiều, doanh thu chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, bao gồm tiền thuê đất (khoảng 120 triệu đồng/năm) và các khoản thuế. Để khai thác, phát huy hiệu quả hạ tầng do doanh nghiệp đầu tư, đơn vị đề xuất chính quyền địa phương tổ chức di dời các tiểu thương từ chợ tự phát sáng (cùng trên địa bàn xã) về chợ Trung tâm để chợ hoạt động cả ngày.
Theo Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện Kiến Thụy, trên địa bàn huyện có 21 chợ, trong đó có 20 chợ hạng 3 do UBND các xã quản lý và 1 chợ hạng 2 là chợ tổng hợp Đại Hà (xã Kiến Hưng) có diện tích 13.833 m2, với 250 điểm kinh doanh do UBND huyện quản lý. Một số chợ do tư nhân đầu tư như: chợ Ngũ Phúc, Tân Trào, Ngũ Đoan và Thiên Lộc. Các chợ Đại Hợp, tổng hợp Đại Hà và Trung tâm xã Tú Sơn do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh và khai thác. Còn lại các chợ khác được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ vốn hoặc có sự đóng góp của người dân, do các tổ quản lý chợ (UBND các xã thành lập) khai thác, điều hành.
Qua rà soát, các chợ được cấp phép đều duy trì quản lý, bảo trì và kiểm tra thường xuyên. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra định kỳ về công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải. Một số chợ được đầu tư theo dự án Lifsap có khu giết mổ, khu bán hàng tươi sống và hệ thống xử lý nước thải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm… Mặc dù vậy, hiện một số chợ trên địa bàn cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Một số chợ do cá nhân, doanh nghiệp đầu tư từ lâu, doanh thu thấp, dẫn đến thiếu nguồn vốn để tái đầu tư, mở rộng. Trong khi các chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ cũng không được bố trí ngân sách để nâng cấp, cải tạo. Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ theo quy định còn thấp so với thực tế, khiến nguồn thu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng bị hạn chế…
Định hướng phát triển chợ bền vững
Trên thực tế, quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng chợ còn phức tạp, chưa có cơ chế hỗ trợ trong chuyển đổi mô hình quản lý, khiến doanh nghiệp e ngại khi tham gia đầu tư. Từ năm 2018 đến nay, huyện Kiến Thụy mới thực hiện chuyển đổi thành công mô hình tổ chức quản lý đối với chợ Trung tâm xã Tú Sơn. Việc nhân rộng mô hình này tại các chợ khác gặp nhiều khó khăn do chủ yếu là chợ hạng 3, quy mô nhỏ, doanh thu thấp. Cùng với đó, hoạt động của nhiều chợ tự phát ảnh hưởng đến hoạt động của các chợ được quy hoạch. Ngoài ra, sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử khiến hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn hơn.
Trước những vướng mắc nêu trên, UBND huyện Kiến Thụy đề ra nhiều giải pháp. Trưởng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện Kiến Thụy Nguyễn Thế Đoàn cho biết, huyện đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực đầu tư, quản lý, khai thác chợ. Cùng với đó, hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho các chợ trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý; đề xuất xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính, khuyến khích các đơn vị tư nhân đầu tư vào chợ truyền thống; có giải pháp đồng bộ tổ chức lại hệ thống chợ một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng nhằm thu hút tiểu thương và người dân vào chợ hợp pháp.
Huyện kiến nghị Sở Công Thương và HĐND thành phố xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, kinh doanh chợ, hướng dẫn chi tiết về quy trình đầu tư, xây dựng chợ. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường có hướng dẫn cụ thể về xử lý đất chợ, giao đất đầu tư xây dựng chợ theo Nghị định số 60/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Việc hoàn thiện Đề án sắp xếp chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đến năm 2030, cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60 Chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng giúp địa phương khắc phục các hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh ổn định và bền vững.