Mở hướng để nông dân sản xuất quy mô lớn
(HPĐT)- Từ ngày 25-3-2025, người sản xuất lúa với quy mô lớn trên địa bàn thành phố có thêm niềm vui khi Quyết định số 20/2025/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định về diện tích, vị trí, mục đích sử dụng công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất trên đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Hải Phòng có hiệu lực. Quyết định này cụ thể quy định tại Nghị định số 112 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa, trong đó có điều khoản cho phép được xây nhà trên đất trồng lúa để phục vụ trực tiếp sản xuất với quy mô không vượt quá 1.000 m2.
Yên tâm ổn định sản xuất
Những năm gần đây, anh Trần Mạnh Hùng, ở xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) liên tục "thu gom" ruộng bỏ hoang của nông dân để sản xuất lúa với quy mô lớn. Anh Hùng cho biết, đến thời điểm này, anh "thu gom" được hơn 60 ha diện tích đất ruộng bỏ hoang. Sản xuất lớn nhưng không có kho để chứa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, gặp lúc trời mưa hoặc doanh nghiệp chưa kịp đến thu mua, lúa sẽ thối hỏng, không bảo đảm chất lượng. Do đó, anh rất phấn khởi khi Quyết định số 20 của UBND thành phố sắp có hiệu lực. Anh yên tâm sản xuất và dự kiến xây thêm nhà tạm để phục vụ sản xuất...
Không chỉ anh Trần Mạnh Hùng, nhiều nông dân sản xuất lúa quy mô lớn đều phấn khởi, yên tâm sản xuất vì theo Nghị định số 112, người sản xuất không chỉ được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ, mà còn được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa. Cụ thể, chương 3, Điều 14 của Nghị định 112 quy định: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa; hỗ trợ 750 nghìn đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, chương 2, Điều 9 quy định xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa. Ngay sau khi khi nghị định có hiệu lực thi hành, UBND thành phố có Quyết định số 20/2025/QĐUBND quy định về diện tích, vị trí, mục đích sử dụng công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất trên đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25-3-2025. Theo đó, diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất lúa trên địa bàn thành phố Hải Phòng chỉ được xây dựng đối với diện tích trồng lúa 50 ha trở lên; tỷ lệ diện tích công trình xây dựng tối đa chiếm 0,1% tổng diện tích đất sản xuất, nhưng không vượt quá 1.000 m2. Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa được xây dựng trên một hoặc nhiều vị trí khác nhau trong khu vực đất trồng lúa; bảo đảm diện tích theo quy định. Cùng với đó, mục đích sử dụng công trình chỉ để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp như phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, kho chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động; trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp...
Hướng dẫn triển khai phù hợp thực tiễn
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng Bùi Thanh Tùng, thành phố ban hành Quyết định số 20 quy định về diện tích, vị trí, mục đích sử dụng công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa mở hướng thuận lợi để nhiều nông dân sản xuất lúa, nhất là các hộ "thu gom" diện tích ruộng bỏ hoang sản xuất với quy mô lớn. Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện để triển khai quyết định này. Cùng với đó, các đơn vị chức năng thuộc sở phối hợp chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về Nghị định 112 và Quyết định số 20 của UBND thành phố để nông dân kịp thời nắm bắt, thực hiện đúng các quy định pháp luật...
Thời gian qua, khi chưa có Nghị định 112 và Quyết định 20 của thành phố, ở khu vực ngoại thành, một số nông dân sản xuất lúa quy mô lớn tự phát xây dựng một số nhà tạm không theo quy định để phục vụ sản xuất ở một số địa phương như các huyện: An Lão, Kiến Thụy, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định pháp luật, không cho phép xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã An Thọ (huyện An Lão) Lê Xuân Phú cho biết, khi phát hiện người dân sản xuất lúa làm nhà kiên cố trên khu vực đất sản xuất nông nghiệp, ngay lập tức chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ... Tuy nhiên, vẫn có tình trạng người dân tự ý xây nhà trên đất khu vực trồng lúa mà không bị phát hiện hoặc có do một số địa phương thực hiện chưa nghiêm nên làm ngơ trước vi phạm này...
Với quy định của Nghị định 112 và Quyết định 20 của thành phố, người nông dân được tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất lúa, tuy nhiên phải tuân thủ nghiêm những quy định pháp luật về việc xây dựng công trình trên đất trồng lúa. Vì vậy, UBND cấp huyện cần chỉ đạo, kiểm tra, giám sát xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất lúa của các tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không đúng quy định. Cùng với đó, chính quyền cấp xã phát huy cao vai trò giám sát để nông dân được hưởng lợi nhưng phải thực hiện đúng quy định pháp luật.