Ngành sản xuất xi măng: Tín hiệu tích cực đầu năm

03:01 CH 11/02/2025

(HPĐT)- Sắp xếp lại chuỗi tiêu thụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tái sử dụng vật tư, tiết kiệm chi phí… là các giải pháp đồng bộ đang được các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn thành phố tích cực thực hiện nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn. Tín hiệu tích cực tháng đầu năm 2025, các đơn vị duy trì sản xuất ổn định, tiêu thụ tốt, cho thấy các giải pháp đang từng bước phát huy hiệu quả, hứa hẹn đà tăng trưởng trở lại của ngành sản xuất xi măng thời gian tới.

 

Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

 

Duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh 

Theo Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng Trần Văn Toan, năm 2025, Vicem Hải Phòng đề ra mục tiêu sản xuất clinker đạt hơn 1,2 triệu tấn, sản xuất xi măng đạt hơn 2,4 triệu tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 2,67 triệu tấn, trong đó sản lượng clinker tiêu thụ 230 nghìn tấn, xi măng tiêu thụ 2,44 triệu tấn. Doanh thu phấn đấu đạt hơn 2.440 tỷ đồng. Các chỉ tiêu được xây dựng cao hơn kết quả thực hiện năm 2024. Trong bối cảnh nhận định năm 2025, ngành sản xuất xi măng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thì các mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra như trên thể hiện quyết tâm lớn của tập thể cán bộ lãnh đạo và công nhân Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng trong thực hiện nhiệm vụ duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm đời sống, việc làm cho công nhân, người lao động. 

Với tinh thần đó, ngay đầu năm mới 2025, khí thế thi đua lao động sản xuất tại Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng diễn ra sôi nổi từ cấp cơ sở, các tổ chức đoàn thể đến Ban lãnh đạo công ty. Cả hệ thống chính trị cùng thống nhất ý chí quyết hoàn thành kế hoạch từng tháng, từng quý theo chương trình đề ra. Ngay tháng đầu năm, kết quả sản xuất - kinh doanh của công ty khá tích cực. Công ty duy trì ổn định sản xuất xi măng, sản lượng tiêu thụ vượt kế hoạch. Công ty đang cung cấp xi măng cho nhiều dự án như sân bay Cát Bi, xây dựng cầu Nguyễn Trãi, các công trình thủy điện khu vực Tây Bắc... 

Thời điểm này, Công ty xi măng Chinfon đang tập trung bảo trì, sửa chữa, tạm dừng lò nung. Tuy vậy, công ty bảo đảm sản lượng xi măng cung cấp tiêu thụ ra thị trường. Năm 2025 vẫn là năm khó khăn với ngành xi măng nhưng có nhiều tín hiệu cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ lạc quan hơn vào thời điểm cuối năm. Từ năm 2026, nhiều điều kiện sản xuất xi măng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại khi các giải pháp triển khai từ ban lãnh đạo công ty và các giải pháp vĩ mô từ Chính phủ thực sự được triển khai đồng bộ và đi vào thực tế. Nhìn lại năm 2024, ngoài khó khăn chung của toàn ngành, các nhà máy sản xuất xi măng của Hải Phòng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 với thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam Lê Nam Khánh cho biết, 2 năm liên tiếp từ năm 2023 đến nay, ngành sản xuất xi măng rơi vào cuộc khoảng thừa khi cung vượt cầu, thị trường tiêu thụ giảm mạnh cả trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp xi măng báo lỗ, thậm chí phải dừng lò sản xuất để tránh đổ clinker thừa ra bãi như xi măng Hạ Long, xi măng Tam Điệp... Năm 2024, có tới 9/10 doanh nghiệp trong hệ thống Vicem lập kế hoạch báo lỗ. Trong bối cảnh đó, để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, các doanh nghiệp sẽ phải rất nỗ lực, chủ động sáng tạo trong triển khai các giải pháp, từng bước vượt qua thách thức.

Tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tiêu thụ 

Trong điều kiện khó khăn, để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch năm 2025, Chủ tịch Công đoàn Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng Đặng Thế Minh cho biết, công ty xác định chủ đề năm “Đổi mới – Thị trường – Hiệu quả”; đang và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất và đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ. Trong đó, công ty kết hợp các kỳ sửa chữa với dừng lò nung để hạn chế đổ clinker thừa ra bãi, hoàn thành sửa chữa đợt 1 công đoạn sản xuất clinker, nâng công suất lò nung đạt gần 4.050 tấn/ngày; hoàn thành sửa chữa công đoạn nghiền xi măng 541, sau sửa chữa năng suất máy nghiền trung bình đạt gần 250 tấn/giờ. Công ty chuyển sang sử dụng than phẩm thấp cấp có giá thấp hơn, lắp đặt két than thô để chủ động phối trộn các chủng loại than, tối ưu chi phí than sản xuất và két phụ gia, sử dụng 100% thạch cao nhân tạo nhằm tiết kiệm chi phí… Bên cạnh đó, để chủ động một phần điện cho sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, Vicem Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ Dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện, phấn đấu đưa dự án vào hoạt động trong năm 2025; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đặc biệt, để nâng cao sức cạnh tranh, ngoài tiết kiệm chi phí hạ giá cấu thành sản phẩm, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng lắp đặt thêm silo thép, đa dạng hóa chủng loại xi măng, tăng sản lượng xi măng rời đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty tổ chức hội nghị khách hàng triển khai chương trình về thị trường, thay đổi cách quản lý cho nhà phân phối; tập trung đưa xi măng phân khúc giá thấp hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa tiêu thụ clinker, đưa xi măng vào các công trình nhỏ lẻ đến các dự án lớn. Cùng với đó, công ty đổi mới hình thức thi đua, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các tấm gương điển hình, sáng kiến sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. 

Với Công ty Xi măng Chinfon, trong năm nay, đơn vị bám sát các công trình trọng điểm của thành phố và các tỉnh lân cận để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, công ty sẽ tăng cường các giải pháp mở rộng tiêu thụ tại các thị trường mới. Về tiêu thụ, công ty theo dõi, bám sát diễn biến thị trường để xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt theo từng chủng loại, địa bàn nhằm tăng khả năng cạnh tranh và sản lượng tiêu thụ. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập