Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Cơ sở chủ động, hỗ trợ kịp thời
(HPĐT)- Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Để ứng phó tình trạng này, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương luôn tìm cách hỗ trợ để nông dân ổn định sản xuất, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng về tần suất xuất hiện, mạnh về cường độ; rải rác một số vùng có hiện tượng thiếu nước cục bộ dẫn đến xâm nhập mặn khá sâu tại các xã: Ngũ Phúc, Tân Trào (huyện Kiến Thụy), Vinh Quang (huyện Tiên Lãng), Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo).
Theo Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Đa Độ, vụ xuân năm 2024, mưa ít khiến mực nước thượng nguồn suy giảm kết hợp với mực nước biển dâng cao, mặn xâm nhập sâu. Có lúc, lượng nước lấy vào hệ thống chỉ đạt 1/6 so với kế hoạch. Xâm nhập mặn làm một số diện tích mạ và lúa mới cấy bị chết. Bà Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Biều Đa, xã Mỹ Đức (huyện An Lão) phản ánh, sau khi gieo cấy được nửa tháng, tình trạng nước mặn xâm nhập làm lúa chết, gia đình phải gieo cấy lại khá vất vả. Tuy nhiên, nhờ có dịch vụ mạ khay nên có đủ nguồn mạ để cấy bổ sung.
Diễn biến thời tiết bất thường cũng làm phát sinh, gia tăng các loại dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, vụ mùa năm 2023, bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại trở lại trên các trà lúa với mức độ gây hại và diện phân bố cao. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên cây lúa 79.117,9 ha, bằng 141,9% diện tích gieo cấy và cao gấp 1,9 lần so với năm 2022, trong đó, một số đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt có mức độ gây hại cao hơn từ 1,5 - 2,4 lần, đặc biệt rầy nâu - rầy lưng trắng cao hơn gấp hơn 20 lần so với năm 2022.
Trước tình hình này, từ năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố phối hợp các nhà khoa học liên tục nghiên cứu, đưa vào sản xuất một số giống cây trồng thích hợp thực tế biến đổi khí hậu tại Hải Phòng. Vụ mùa năm 2023, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Phòng xây dựng 3 mô hình sản xuất thử nghiệm khả năng thích nghi của giống lúa QS88 tại các vùng dễ xảy ra xâm nhập mặn. Giống lúa QS88 gieo cấy tại các chân ruộng trũng có nguy cơ xâm nhập mặn tại 3 huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy cho năng suất cao từ 60- 69 tạ/ha, tỷ lệ hạt chắc cao. Chi cục khuyến cáo nông dân tiếp tục gieo cấy giống này trong các vụ tiếp theo để làm cơ sở chỉ đạo sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, tại các huyện xây dựng 48 mô hình sản xuất lúa áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả canh tác với tổng diện tích 474,7 ha; 31 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa ĐS1 theo liên kết chuỗi giá trị, phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 280 ha...
Từng bước khắc phục, linh hoạt sản xuất
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Thanh Tùng, trước diễn biến thời tiết bất thường, tác động biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và địa phương trong chỉ đạo sản xuất, tăng cường kiểm tra thực tế, điều hành một cách linh hoạt. Cơ quan chuyên môn thuộc Sở bám sát đồng ruộng, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chuyên môn của cấp huyện và lãnh đạo cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến cáo về cơ cấu giống, chọn bộ giống có chất lượng phù hợp từng chân đất, gieo trồng tập trung 1 - 2 giống cùng trà trên cùng cánh đồng; tuân thủ khung thời vụ của từng loại cây trồng để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi cũng linh hoạt hơn trong việc bảo đảm nguồn nước không bị xâm nhập mặn, lấy vào đồng ruộng phục vụ sản xuất. Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đa Độ Đỗ Văn Trãi chia sẻ, việc lấy nước vào hệ thống thủy lợi Đa Độ có lúc rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vào thời điểm đầu vụ sản xuất, đối với các tuyến kênh cấp 1, đơn vị tập trung thau đảo nguồn nước trong kênh do ô nhiễm gia tăng, chua phèn, mặn nội tại tăng cao; vận hành hết công suất các công trình (kênh, cống, bơm điện, bơm dã chiến) để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất; tập trung tối đa các trạm bơm điện hiện có để đưa nước lên đồng ruộng.
Tại xã Tân Viên (huyện An Lão), ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn dẫn đến khu vực cánh đồng Ba Cả vụ xuân 2024 bị khô mặt ruộng do nước không lên được, tuy nhiên địa phương phối hợp Công ty khai thác công trình thủy lợi Đa Độ khắc phục kịp thời. Chủ tịch UBND xã Lương Xuân Tam bày tỏ, để sản xuất ổn định trong thời gian tới, rất mong thành phố tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu tiên khắc phục xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt; mở rộng thực hiện các đề án, dự án phát triển sản xuất ứng phó biến đổi khí hậu.