Thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh
(HPĐT)- Với chiều dài hơn 300 km, các tuyến đường tỉnh được ví như “xương sống” trong hệ thống giao thông các quận, huyện. Sự gia tăng nhanh về lưu lượng phương tiện khiến tuyến đường tỉnh có nguy cơ quá tải, hỏng, xuống cấp dễ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó rất cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các tuyến đường tỉnh kịp thời.
Nhiều tuyến đường quá tải, xuống cấp
Đường tỉnh (ĐT.) 354 chiều dài 19 km, từ ngã 5 Kiến An (quận Kiến An) qua các huyện An Lão, Tiên Lãng và kết thúc tại cầu Chiến Lược, xã Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo) dù mới được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cách đây vài năm nhưng đến nay do lưu lượng phương tiện lưu thông tăng, tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, nhất là vào khung giờ cao điểm. Nhà ở mặt ĐT. 354, anh Nguyễn Văn Cường, ở xã Mỹ Đức (huyện An Lão) cho biết, tuyến đường qua địa bàn huyện An Lão đoạn từ chân cầu Nguyệt Áng đến gầm cầu vượt ô-tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng hẹp, đông phương tiện qua lại. Nhiều đoạn, các hộ dân ở mặt đường mở cửa hàng kinh doanh buôn bán, đậu đỗ ô tô vận chuyển hàng hóa chiếm dụng mặt đường khiến các phương tiện khác phải lấn sang làn đường ngược chiều, rất mất an toàn. Sắp tới, khi tuyến đường nối từ huyện Kiến Thụy và tuyến đường nối từ quốc lộ 10 huyện Vĩnh Bảo đến ĐT. 354 huyện Tiên Lãng được đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện dồn về đường này chắc chắn tăng cao. Nguy cơ quá tải, ách tắc khó tránh nếu tuyến đường này không sớm được cải tạo, mở rộng.
Được ví như trục giao thông “xương sống” của huyện An Dương, ĐT.351 với chiều dài 20,7 km không chỉ có ý nghĩa về giao thông đối nội mà còn là trục đường chính để An Dương kết nối với các địa phương khác trong và ngoài thành phố. Tuy nhiên, hiện tuyến đường này đứng trước nguy cơ quá tải, khi lưu lượng phương tiện, nhất là xe tải trọng lớn lưu thông ngày một tăng, vượt thiết kế khiến tuyến đường xuống cấp nhanh. Quan sát, mặt đường bê tông nhựa xuất hiện nhiều vị trí bị hỏng, rạn nứt và ổ gà. Vạch sơn phân làn bị phai mờ, nhưng chưa được sửa chữa kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông cho người tham gia lưu thông. Đặc biệt, khi trời mưa lớn, nhiều đoạn đường trở nên ngập lụt nghiêm trọng.
Quá tải, xuống cấp đang là tình trạng chung của nhiều tuyến đường tỉnh trên địa bàn thành phố như ĐT.352, ĐT.360, ĐT.361, ĐT.359C… Do tình trạng xuống cấp, bị hỏng, trong 8 tháng năm 2024, các tuyến đường tỉnh trên địa bàn thành phố xảy ra 74 vụ tai nạn giao thông (chỉ đứng sau số vụ trên tuyến quốc lộ), tăng 8 vụ, làm 30 người chết (giảm 3 người chết) và 67 người bị thương, tăng 22 người, cùng so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Thông tư số 37/2018 và Thông tư số 41/2021 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ, thời gian sửa chữa định kỳ của mặt đường bê tông nhựa là 5 năm, mặt đường nhựa, láng nhựa là 4 năm, bê tông xi măng là 8 năm.
Tăng cường bảo dưỡng, duy tu
Là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh trên địa bàn thành phố, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường bộ Hải Phòng Triệu Hạo Nhiên cho biết, trong 9 tháng năm 2024, đơn vị tiến hành đắp 444 m3 phụ lề đường; dặm, vá sửa chữa 11.500 m2 mặt đường; sơn mới 6.150 m2 vạch kẻ đường; thay thế 215 biển báo và nạo vét 948 m3 bùn, đất để bảo đảm an toàn giao thông, duy trì tình trạng kỹ thuật và tăng tuổi thọ các tuyến đường, nhưng do nguồn lực hạn chế nên việc duy tu, sửa chữa đáp ứng khoảng 50% khối lượng yêu cầu thực tế. Kinh phí chủ yếu bảo đảm nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên như dặm, vá đường xuống cấp, ổ gà... Trong khi, khối lượng công việc phải thực ngày càng nhiều do tình trạng bị hỏng, xuống cấp của công trình giao thông ngày càng trầm trọng theo thời gian; chi phí vật tư, nhân công, máy móc để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đều tăng… Doanh nghiệp đề nghị thành phố áp dụng việc đấu thầu thực hiện công tác duy tu, sửa chữa công trình giao thông theo hình thức 3 năm/lần như nhiều địa phương khác đang thực hiện.
Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo trì giao thông công cộng và đăng kiểm thủy (Sở Giao thông- Vận tải) Trần Văn Cao thông tin, để công tác quản lý, bảo trì giao thông đường bộ đạt hiệu quả, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường tỉnh do thành phố quản lý, thành phố huy động, bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác này. Giai đoạn 2023-2024, từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách thành phố triển khai 9 dự án sửa chữa đường, cầu do Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư. Riêng năm 2024, nguồn vốn sự nghiệp phân cấp Sở Giao thôngVận tải làm chủ đầu tư sửa chữa 17 công trình kết cấu hạ tầng giao thông. Ngoài ra, nguồn kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương chuyển về địa phương thực hiện 14 công trình sửa chữa, gia cố lề các tuyến đường tỉnh, thành phố quản lý. Tổng kinh phí các nguồn thực hiện năm 2024 khoảng hơn 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này mới đáp ứng khoảng hơn 50% nhu cầu thực tế công tác duy tu, sửa chữa các công trình giao thông trên địa bàn thành phố.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là trên tuyến đường tỉnh trên địa bàn, Sở Giao thông- Vận tải cần tăng cường ứng dụng khoa họccông nghệ, quản lý dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ duy tu, sửa chữa hằng năm bố trí đầy đủ lực lượng tuần đường kiểm tra các tuyến hằng ngày kịp thời phát hiện những vị trí đường xuống cấp, bố trí nhân lực, thiết bị, vật liệu khẩn trương xử lý theo quy định bảo đảm thông suốt, an toàn trên các tuyến đường. Đồng thời, phối hợp Thanh tra Sở Giao thông- Vận tải, UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông, nhất là hành lang an toàn cầu để kịp thời nhắc nhở, dỡ bỏ công trình vi phạm trả lại mặt bằng.