Lan tỏa các lễ hội truyền thống của địa phương

09:53 SA 29/03/2021

 

 

 

(HPĐT)- Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng có nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Tôi cho rằng, mỗi địa phương cần có trách nhiệm bảo tồn những nét văn hoá mang đậm bản sắc vùng miền và lan toả rộng rãi trong đời sống người dân.

 

Tại Hải Phòng, có nhiều hoạt động văn hoá, lễ hội vô cùng độc đáo, mang đậm văn hóa miền biển như: lễ hội chọi trâu, lễ hội đánh pháo đất Vĩnh Bảo, lễ hội rước lợn ông Bồ, hội vật cầu Kim Sơn, lễ hội hát đúm Thuỷ Nguyên... Tuy nhiên, hiện nay, trong xã hội hiện đại, không phải người dân nào cũng biết đến ý nghĩa và thời gian tổ chức những lễ hội đó. Bởi vậy, bên cạnh việc duy trì các lễ hội mang đặc trưng riêng của thành phố, trước thời điểm diễn ra mỗi lễ hội, ngành văn hóa - du lịch cần phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức gần gũi, phát huy thế mạnh của phương tiện thông tin đại chúng, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để đăng tải các cụm ảnh, clip giới thiệu sự chuẩn bị, các phần của lễ hội; tổ chức thi tìm hiểu về ý nghĩa, lịch sử, lý do tổ chức lễ hội nhằm tăng tính hấp dẫn, khích lệ, động viên người dân quan tâm, tiếp cận các lễ hội độc đáo. Cùng với đó, xác định thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong việc phát huy văn hoá truyền thống, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đẩy mạnh việc lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa vào các hoạt động ngoại khoá thiết thực… như tổ chức các buổi tham quan, chăm sóc cây xanh, giữ gìn cảnh quan tại các điểm di tích; tham gia trò chơi dân gian trong ngày hội truyền thống… Từ đó nhắc nhở mỗi người về truyền thống cha ông, lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc; hình thành nên nhân cách coi trọng nên văn minh, độc lập hiện tại, song vẫn hướng về cội nguồn.