Lan tỏa lòng nhân ái trong học đường
(HPĐT)- Các dịp lễ Tết, đầu năm học hay gần đây nhất là sau cơn bão số 3, nhiều phần quà, sách vở, đồ dùng học tập... được trao đến học sinh, gia đình hoàn cảnh khó khăn chính từ sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng trăm nghìn học sinh thành phố. Qua đó lan tỏa hiệu ứng tích cực tình yêu thương, quan tâm giúp đỡ người chung quanh, hình thành tính cách tốt đẹp trong mỗi học sinh...
Chia sẻ yêu thương
Tết Trung thu vừa qua, không chỉ các bệnh nhi tại Khoa máu và Khoa cấp cứu (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng), mà cả người thân chăm các bé đều cảm thấy ấm lòng khi nhận quà từ các thành viên Câu lạc bộ Tình nguyện Trường THPT Hồng Bàng trao tặng. Tuy phần quà nhỏ bé gồm sữa, bánh kẹo và một chiếc đèn lồng, nhưng đủ “thắp” lên những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt các em bé đang “chiến đấu” với bệnh tật. Là thành viên tích cực của câu lạc bộ, em Hoàng Cẩm Vy, lớp 11 B10, cho biết: "Đây là lần thứ 2 chúng em đến thăm, tặng quà các bé đang điều trị bệnh ở Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Kinh phí đóng góp chủ yếu do các thành viên trong câu lạc bộ tự nguyện ủng hộ. Nhìn thấy sự vui vẻ của các bé và sự trân trọng của các gia đình khiến chúng em thấy ấm lòng".
Cùng hướng về cộng đồng, sẻ chia những yêu thương, học sinh, giáo viên Trường THCS Đà Nẵng chuẩn bị 108 phần quà thăm, động viên các em nhỏ tại làng trẻ SOS. Ngoài ra, các em còn ủng hộ 103 suất quà tặng học sinh hoàn cảnh đặc biệt và gia đình học sinh chịu thiệt hại do bão số 3 với tổng trị giá hơn 36 triệu đồng. Còn tại Trường Tiểu học Đông Hải 1, ngay khi nhận được tin nhắn phát động ủng hộ người dân thành phố và đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chỉ sau 3 ngày, học sinh nhà trường quyên góp 5.037 quyển vở ô ly, 3.400 cây bút chì, 17 thùng đồ dùng học tập (hộp bút, thước, màu vẽ, bảng). Không chỉ có hiện vật, trong những thùng quà còn chứa đựng những bức thư viết tay ngập tràn tình cảm mà các em gửi tới bạn gặp khó khăn. “Tớ tên là Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, lớp 3A8. Tớ có món quà nhỏ cho các cậu. Mong các cậu trở lại trường học”. Từ Trường tiểu học Cát Bi (quận Hải An), em Hoàng Tú Quyên, lớp 4A3 có lời nhắn nhủ thân thương tới các bạn vùng lũ: “Mình biết trường của các bạn bị lũ cuốn làm hỏng hết bàn ghế, sách vở... Mình xin gửi tặng bộ sách để phần nào giúp các bạn có đồ dùng học tập khi trở lại trường”. Yêu thương không chỉ ở học sinh phổ thông mà còn lan tỏa tới các trường mầm non. Bé Đinh Minh Nhã An, lớp 3C4, Trường Mầm non Đằng Hải (quận Hải An), chưa biết chữ nên nhờ mẹ ghi, gửi 20 quyển vở ô ly, 5 quyển vở thếp, 24 bút chì, 40 bút bi, 10 gọt bút chì tới “các bạn, anh chị ở các nơi bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 lời động viên”...
Hình thành nhân cách đẹp
Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các nội dung môn học và hoạt động giáo dục đều hướng tới hình thành, phát triển 5 phẩm chất cơ bản cho học sinh là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Do vậy, ngoài giảng dạy kiến thức, nhà trường rất chú trọng giáo dục lòng nhân ái trong mỗi học sinh. Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồng Bàng cho biết: "Nhà trường chỉ đạo các giáo viên tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống theo đặc thù từng môn học, trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Đồng thời tổ chức, khuyến khích các em tham gia những hoạt động thiện nguyện phù hợp với điều kiện, lứa tuổi. Qua đó giúp các em không chỉ có tình yêu thương, sự thấu hiểu, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh mà còn biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người hoạn nạn".
Ở cấp học nhỏ, tùy theo lứa tuổi, mỗi giáo viên lại có cách truyền đạt phù hợp. Theo cô Nguyễn Thị Hiển, Hiệu trưởng Trường mầm non Dương Quan (huyện Thủy Nguyên), để giáo dục đạo lý “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” tới trẻ, trong hoạt động giáo dục, các giáo viên kể về những tấm lòng bao dung, những gương sáng, hành động đẹp, kể cho các em những hoàn cảnh chưa may mắn để khơi dậy trong các em tình yêu thương con người, lòng nhân ái ngay từ lứa tuổi mầm non. Từ đó dần hình thành trong trẻ những cảm xúc nhân ái, biết đồng cảm. Sau dần lên cấp học lớn hơn, các em sẽ biết quan tâm giúp đỡ người chung quanh, có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Giáo dục lòng nhân ái là một phần trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành GD-ĐT thành phố. Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Quốc Hiệu cho rằng, để thực hiện hiệu quả công tác này cần sự gương mẫu của đội ngũ nhà giáo trong ngôn từ, ứng xử, hành động. Các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa những hành động đẹp, tấm gương tiêu biểu để học sinh noi theo; đồng thời, tổ chức các hoạt động, chương trình để học sinh trải nghiệm hiểu thực tế cuộc sống, bồi đắp cảm xúc. Từ đó, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, biết yêu thương, cảm thông, giúp đỡ người hoạn nạn, dần hoàn thiện bản thân để trở thành những công dân tốt trong xã hội.