Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú: Chi phí bữa ăn cần phù hợp
Các cô nuôi chuẩn bị bữa ăn bán trú tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng).
25.000 đồng “cõng” nhiều chí phí
Ngày 1-10, hình ảnh suất ăn bán trú của học sinh với rau muống, trứng, đậu tại Trường tiểu học Ái Mộ B, quận Long Biên (Hà Nội) được một người mẹ chia sẻ trên mạng facebook, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo tài khoản này, với mức đóng tiền ăn 25.000 đồng/ngày/học sinh thì suất ăn như vậy là chưa xứng đáng. Tuy nhiên, theo giải trình của nhà trường, thực chi bữa ăn trưa là 18.000 đồng, còn 7.000 đồng chi cho bữa phụ lúc 14 giờ và chi phí điện, nước, chất đốt. Trước đó, ngày 16-9, tại tỉnh Hà Tĩnh, hình ảnh suất cơm bán trú của Trường tiểu học Thạch Linh gồm 5 con tôm kho bóc vỏ, thịt bò xào bắp cải, canh bí nấu thịt cũng được chia sẻ trên mạng xã hội. Ngay sau đó, Hiệu trưởng trường học này nhận trách nhiệm về bữa ăn trưa của trẻ ít thức ăn, song cũng nhiều ý kiến cha mẹ cho rằng, với mức thu 27.000 đồng/ngày/học sinh gồm 2 bữa ăn và chi phí các loại, khó để có các món ăn giàu dinh dưỡng hơn.
Thực tế, mức thu tiền ăn bán trú 25.000 đồng đến 27.000 đồng/học sinh/ngày cũng là mức thu phổ biến các trường tiểu học ở Hải Phòng. Tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng), năm học 2019-2020, nhà trường tổ chức ăn bán trú thêm cho học sinh khối 3, 4, 5 theo các ngày học. Do đó, toàn trường có hơn 600 suất ăn bán trú mỗi ngày. Với mức thu 25.000 đồng/học sinh/ngày gồm cả bữa ăn trưa, bữa ăn phụ và chi phí điện, nước, chất đốt, thì thực chi dành cho bữa ăn trưa chỉ còn 18.000 đồng/học sinh. Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ: Từ trước tới nay, trường chưa bị cha mẹ học sinh phản ánh về chất lượng bữa ăn hay thức ăn không đủ. Song chuẩn bị bữa ăn hằng ngày cho các em, nhà trường rất lo lắng bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe của vài trăm cháu. Thực tế, với giá thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả ngày một tăng, với số tiền trên, để cân bằng dinh dưỡng và bảo đảm an toàn vệ sinh trong bữa ăn cho trẻ là điều rất trăn trở.
Cũng canh cánh nỗi lo trên, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đằng Giang (quận Ngô Quyền) Hà Thị Kim Nhung chia sẻ: Toàn trường có 783/1076 học sinh từ khối 1 đến khối 5 đăng ký ăn bán bữa trưa và bữa phụ tại trường. Nhà trường thu 25.000 đồng/học sinh/ngày bao gồm 22.000 đồng cho bữa trưa, 3.000 đồng chi phí bữa phụ, không có chi phí chất đốt, điện, nước và công tác quản lý. Hiện nay, trường thực hiện linh hoạt được 3 ngày/tuần thực đơn dinh dưỡng theo Dự án bữa ăn học đường do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) và Công ty Ajinomoto Việt Nam ban hành với 4 món, gồm thức ăn mặn, xào, canh và cơm. Tuy nhiên, để thực hiện áp dụng đúng thực đơn cả tuần với số lượng, chất lượng theo dự án này thì chi phí thu như hiện nay là không đủ.
Công khai để tạo niềm tin
Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục- Đào tạo quận Ngô Quyền, Vũ Thị Hà: Quận Ngô Quyền có 13 trường tiểu học tổ chức bữa ăn bán trú với 9703 học sinh. Từ đầu năm học 2019-2020, đơn vị chỉ đạo các trường rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng học sinh; thực hiện ký kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bảo đảm về sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); triển khai bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, nhân viên nấu ăn tại các trường về cách tính định lượng khẩu phần ăn, thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Đồng thời, đơn vị thường xuyên kiểm tra và phối hợp các phòng ban chuyên môn, chính quyền địa phương giám sát công tác bảo đảm VSATTP tại các bếp ăn bán trú, yêu cầu các đơn vị giám sát chặt chẽ khâu giao nhận thực phẩm hằng ngày, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và VSATTP. Yêu cầu các trường công khai thông tin trên bảng tin của trường về khẩu phần ăn, chất lượng bữa ăn, chế độ ăn và tiền ăn hằng ngày. Hiện nay, mức thu trung bình mỗi học sinh tại các trường là 25.000 đồng/ngày. Đơn vị khuyến khích các trường có thể thỏa thuận thêm với các bậc cha mẹ để tăng mức thu, tăng chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ nhưng phải bảo đảm công khai thực đơn, đơn giá hằng ngày, bảo đảm các món ăn hợp lý.
Với cấp tiểu học, nhiệm vụ chăm sóc bán trú không phải là chính nhưng cần được chú trọng. Mức thu 25.000 đồng/học sinh có từ nhiều năm nay. Trong khi đó, giá thực phẩm đều tăng giá hằng năm. Do đó, để bảo đảm giá trị dinh dưỡng của bữa ăn và đáp ứng nhu cầu của học sinh thì các cha mẹ cũng phải chấp nhận mức giá hợp lý theo các trường. Theo đề xuất tại các trường, để áp dụng thực đơn theo Dự án bữa ăn học đường, mức thu từ 28.000 đồng đến 30.000 đồng/học sinh là phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường nên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, giám sát việc giao nhận thực phẩm cũng như số lượng, chất lượng bữa ăn của trẻ. Có như vậy mới tạo niềm tin với các bậc cha mẹ, để các bên cùng chung tay nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh tại trường./.
Ngày 19-3-2019, Bộ Giáo dục-Đào tạo có công văn về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm VSATTP trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp bảo đảm VSATTP, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến bữa ăn theo quy định; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý phù hợp với độ tuổi, thể trạng và điều kiện của gia đình học sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục, ngành Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác VSATTP nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.