Nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Thêm động lực để Hải Phòng “tăng tốc, vươn xa” (Kỳ 1)

08:55 SA 07/10/2024

(HPĐT)- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được Đảng xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Thực hiện định hướng này, Hải Phòng luôn quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó có nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa, nhất là 3 trụ cột phát triển kinh tế gồm công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics và du lịch- thương mại. Để sớm hiện thực hóa chủ trương, thành phố xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo động lực, điều kiện phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục đại học, tạo chuyển biến tích cực trong việc tăng “lượng”, nâng “chất” nguồn nhân lực.

 

Sinh viên Trường cao đẳng Hàng hải 1 tham gia các chương trình đào tạo do đối tác nước ngoài chuyển giao. Ảnh: MAI LÊ


Kỳ 1: Chuyển biến tích cực từ nhiều nỗ lực


Hải Phòng là điểm sáng về thu hút đầu tư FDI, luôn đứng trong tốp địa phương dẫn đầu cả nước. Vị trí “đắc địa” về kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng là ưu thế rất lớn của thành phố, nhưng vẫn chưa đủ. Để thu hút, giữ chân các nhà đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt. “Đón đầu” nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, các trường đại học, trường nghề trên địa bàn thành phố có chuyển biến rõ nét về quy mô, chất lượng đào tạo. Tuy vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa như kỳ vọng cả về chất lượng và số lượng.


Tín hiệu lạc quan 


Hiện, trên địa bàn thành phố có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 16 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với quy mô đào tạo hơn 50.700 người/năm. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, tổng số tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của toàn thành phố đạt gần 263.000 học sinh, sinh viên, học viên, tỷ lệ tốt nghiệp đạt khoảng 65%. Phó giám đốc Sở Lao độngThương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền thông tin: Qua đánh giá của người sử dụng lao động và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có bước chuyển biến tích cực, kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tốt nghiệp được nâng lên. Khoảng 85% số người được đào tạo nghề trình độ cao đẳng sử dụng đúng nghề đã học; 30% có kỹ năng nghề từ khá trở lên; kỹ năng của sinh viên một số nghề như hàn, dịch vụ nhà hàng, điều khiển tàu biển… đạt chuẩn quốc tế. Qua đó, bước đầu đáp ứng được nguồn nhân lực có tay nghề cao theo yêu cầu của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu lao động. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; bước đầu có thể đảm nhận được nhiều vị trí công việc phức tạp, trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. 


Giáo dục bậc đại học cũng có sự tăng trưởng rõ nét về quy mô đào tạo. Cụ thể, từ năm 2019 đến năm 2024, tổng số tuyển sinh hệ chính quy của Trường đại học Hải Phòng đạt hơn 18.600 sinh viên; quy mô đào tạo các hệ là gần 90.500 sinh viên. Trường đại học Hàng hải Việt Nam có tổng chỉ tiêu tuyển sinh gần 22.000 sinh viên, nhưng số sinh viên trúng tuyển, nhập học cao hơn con số này, quy mô đào tạo năm sau cao hơn năm trước (năm 2023 quy mô đào tạo là 17.340, năm 2024 là 18.765 sinh viên, học viên). 


Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hải Phòng tăng dần qua các năm, từ 82,5% năm 2019 lên 86,5% năm 2023. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ 3 tháng tăng từ 34% năm 2019 lên 38% năm 2023. 
Đánh giá về nguồn nhân lực của thành phố, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu Công nghiệp Deep C nhận định: Thời gian qua, chất lượng, số lượng lao động tại chỗ của thành phố được cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thành phố cần quan tâm đến đổi mới giáo dục và phát triển con người, đầu tư vào những ngành trọng điểm, đặc thù, khó tìm lao động như: tự động hóa, điện - điện tử… Bên cạnh đó, các trường tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, gắn kết chương trình đào tạo của doanh nghiệp vào giáo trình của các trường. Với sự liên kết 2 chiều này, không chỉ doanh nghiệp, nhà trường được hưởng lợi, mà học viên, sinh viên có cơ hội tiếp cận với nhiều loại máy móc, trang thiết bị hiện đại, kỹ năng sản xuất tiên tiến nhất hiện nay.

 

“Cung” còn chậm nhịp với “cầu” 


Công tác tuyển sinh đạt nhiều kết quả khả quan, quy mô đào tạo ngày càng mở rộng, song chưa được như kỳ vọng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 năm gần đây, số người đăng ký học nghề, cao đẳng có tăng nhưng chưa quá 40%. Cơ cấu đào tạo đang có sự phân hóa, nghiêng về trình độ sơ cấp (chiếm tỷ lệ hơn 80%), trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp (chỉ gần 20%). 
Qua rà soát số liệu tại Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ từ 3 tháng trở lên của Hải Phòng thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ này của thành phố đạt 36,5%, năm 2023 đạt 38%, thấp hơn Quảng Ninh (năm 2022 đạt 47,5%, năm 2023 đạt 48%), Bắc Ninh (năm 2022 đạt 42%, năm 2023 đạt 43%), Hà Nội (năm 2022 đạt 51,2%, năm 2023 đạt 52%). Tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp chỉ chiếm khoảng 18% trong tổng số tuyển sinh GDNN, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm khoảng 82%. 


Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ngày càng tăng cả về lượng và chất. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, 18 doanh nghiệp thuộc 6 khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cần tuyển dụng hơn 3 nghìn lao động, trong đó số lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm khoảng 55%. Từ nay đến cuối năm 2024, các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển hơn 1.400 lao động, trong đó cần 600 lao động có bằng cấp chứng chỉ, nghiệp vụ ở một số ngành: Điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí, chế tạo, logistics, hàng hải… Theo chị Đỗ Thị Cẩm Thúy, cán bộ Phòng Nhân sự Công ty TNHH OHSUNG Vina (Khu công nghiệp Tràng Duệ), 9 tháng năm 2024, công ty tuyển dụng được khoảng 700 lao động. Từ nay đến cuối năm sẽ tuyển dụng gần 300 người, trong đó 30 lao động có trình độ đại học và trên đại học, 10 lao động đạt trình độ cao đẳng, 20 lao động có bằng nghề, chứng chỉ đào tạo… để làm việc trong bộ phận quản lý, giám sát sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính… Tuy nhiên, công ty cũng nhận định sẽ gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp cũng đang “khát” lao động, cạnh tranh trong tuyển dụng. Tương tự, Công ty TNHH Cơ khí RK (Khu công nghiệp Đình Vũ) cần tuyển 6 lao động trình độ trung cấp, tay nghề kỹ thuật bậc trung, với mức thu nhập từ 13 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị vẫn chưa tuyển được lao động nào đáp ứng yêu cầu- chị Ngô Thị Thu, nhân viên Phòng Hành chính - Nhân sự của công ty thông tin. Trước tình thế đó, không ít doanh nghiệp đành tuyển tạm, tuyển ngay để đào tạo lại. Trưởng xưởng máy Công ty TNHH chế tạo máy EBA (Khu công nghiệp Việt Nam- Nhật Bản) Nguyễn Đức Hiệp cho biết, trước đây doanh nghiệp thường hợp tác Trường cao đẳng Bách nghệ để tiếp nhận mỗi năm từ 20-30 sinh viên ngành cơ khí, chế tạo đến làm việc. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, việc tuyển dụng sinh viên từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đáp ứng nhu cầu. Doanh nghiệp phải tự tuyển dụng và đào tạo lại để bảo đảm yêu cầu từng vị trí công việc. 


Theo rà soát của các ngành chức năng, thời gian tới, Hải Phòng cần bổ sung số lượng lao động rất lớn cho các ngành nghề trọng điểm, nhất là 3 trụ cột phát triển kinh tế: Công nghiệp công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics và du lịch - thương mại. Chỉ riêng lĩnh vực logistics, dự báo đến năm 2025, Hải Phòng cần khoảng 369.000 lao động, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; vào năm 2030 tăng lên 460.000 lao động, trong đó 368.000 lao động đã qua đào tạo. Tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, dự kiến đến năm 2025, Hải Phòng cần bổ sung hơn 82.700 lao động qua đào tạo với trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, đến năm 2030, con số này ước tính tăng lên khoảng 127.800 lao động. Đối với ngành du lịch, đến năm 2025, thành phố cần đến 10.000 lao động. 


Để đáp ứng yêu cầu trên, nhiều “điểm nghẽn”, “nút thắt” cần được khơi thông, tháo gỡ, tạo điều kiện cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của thành phố “cất cánh”. 
 

Kỳ 2: Chủ động tháo gỡ những “nút thắt”
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập