Thêm quy định để người cao tuổi lái xe ô tô an toàn

04:52 CH 05/04/2025

(HPĐT)- Với khoảng 117 nghìn ô tô dưới 9 chỗ ngồi, chủ yếu là xe cá nhân trên địa bàn toàn thành phố, người cao tuổi tham gia điều khiển ô tô ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đã có những vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra liên quan đến người cao tuổi lái xe. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất ATGT nếu không có quy định cụ thể về độ tuổi cũng như giải pháp giúp người cao tuổi lái xe an toàn.

 

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) tuyên truyền an toàn giao thông đến người cao tuổi là hội viên Hội Nông dân huyện Kiến Thụy.
 

Nhiều vụ tai nạn xảy ra 

Chiều 27-3, tại khu vực trước cửa số nhà 99 đường Trần Phú, phường Cầu Đất (quận Ngô Quyền) xảy ra vụ TNGT giữa ô tô Kia Morning BKS: 15D - 00265 do ông Đỗ Hồng T., 84 tuổi, trú tại phường Cầu Đất điều khiển va chạm với 2 xe máy, cả 2 xe hư hỏng, người điều khiển xe máy bị thương nhẹ. Dù hậu quả vụ tai nạn chưa nghiêm trọng, song việc ông T. 84 tuổi lái xe ô tô cũng khiến nhiều người lo ngại về khả năng phản xạ và xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Tại Hải Phòng hiện chưa có thống kê cụ thể về số vụ TNGT liên quan đến người cao tuổi, song tại các tỉnh, thành phố khác, nhiều vụ TNGT có hậu quả nghiêm trọng do người cao tuổi gây ra. Đơn cử, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cuối tháng 5-2024, cụ ông 70 tuổi, trú tại thị xã Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa điều khiển xe ô tô BKS 78A-096.50 va chạm với mô tô khiến 2 người tử vong tại chỗ. Hay vụ việc khác xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 7-2024, cụ ông khác cũng 70 tuổi điều khiển xe ô tô BKS 47A-416 va chạm với xe máy, nhưng không xử lý được tình huống khiến nạn nhân tiếp tục bị kéo lê 1 đoạn dài, gây thương tích toàn thân. 

Bày tỏ về thực trạng này, anh Trần Văn Hiệp, 30 tuổi, ở đường Trần Minh Thắng, phường Hải Thành (quận Dương Kinh) cho biết: Trên các tuyến phố hiện nay, các phương tiện tham gia giao thông hỗn hợp, nhiều tuyến đường có xe container, tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Do vậy, không chỉ người già, bản thân anh phải tập trung, đôi khi căng thẳng để lái xe an toàn. Bởi vậy, nếu người cao tuổi không đủ sức khỏe cũng như phản xạ xử lý tình huống, sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cho bản thân mình và người chung quanh.

Cần quy định cụ thể 

Việc người cao tuổi lái xe ô tô là một vấn đề đáng quan tâm trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng. Khi tuổi tác gia tăng, khả năng nhận biết, phản xạ và thể chất của con người cũng suy giảm, làm tăng nguy cơ mất ATGT. Tuy nhiên, tại điều 59 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 chỉ quy định độ tuổi tối đa với lái xe trên 29 chỗ là 57 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Còn các xe dưới 29 chỗ, độ tuổi lái xe hiện không giới hạn mức tối đa mà chỉ có mức tối thiểu là 18 tuổi. 

Trung tá Ngô Tiến Khâm, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và xử lý, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) cho biết: Năm 2024, đơn vị phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thành phố, UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền trực tiếp gần 50 cuộc đến 8 nghìn người, trong đó có nhiều người cao tuổi. Dù vậy, tình hình giao thông trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, đòi hỏi người điều khiển phương tiện phải bảo đảm các yếu tố về sức khỏe hiểu biết pháp luật cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường. Tuy nhiên, với người cao tuổi điều đó lại không dễ dàng, bởi khả năng nghe, nhìn và sức khỏe dẫn tới việc nhận định, phản xạ với tình huống trên đường bị hạn chế. Do đó, chúng tôi luôn tuyên truyền người cao tuổi cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, bảo đảm đủ điều kiện lái xe, nhất là về thị lực, thính giác và phản xạ. Hạn chế lái xe ô tô vào ban đêm và giờ cao điểm. Đồng thời, nên sử dụng công nghệ hỗ trợ lái xe như phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo chệch làn đường… để lái xe an toàn hơn. 

Đề cập đến tình trạng khám sức khỏe cho các lái xe ô tô, luật sư Nguyễn Thị Thùy, Trưởng văn phòng luật sư Lam Sơn (Đoàn luật sự thành phố) cho biết: Việc khám sức khỏe trong các trường hợp cấp đổi giấy phép lái xe, đâu đó còn qua loa, chiếu lệ. Nhiều người cao tuổi không được đánh giá sức khỏe có đủ điều kiện tham gia giao thông an toàn. Do đó, Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh cần làm nghiêm và siết chặt hơn trong công tác khám sức khỏe lái xe ô tô, nhất là với người cao tuổi. Về lâu dài, cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng những tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái xe cao tuổi phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu bổ sung quy định độ tuổi tối đa được điều khiển đối với tất cả các loại phương tiện giao thông. 

Bên cạnh đó, mỗi người cao tuổi cần nhận thức rõ tình trạng sức khỏe của bản thân; chủ động không trực tiếp điều khiển phương tiện nếu sức khỏe không bảo đảm. Gia đình, người thân và cả cộng đồng cần quan tâm chia sẻ, hỗ trợ, ngăn ngừa không để người cao tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu sức khỏe không tốt, góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập