Ngành giáo dục tích cực xây dựng kho học liệu số: Hỗ trợ đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học
(HPĐT)- Thông qua Hệ thống cơ sở dữ liệu, ngành Giáo dục Hải Phòng đóng góp và chia sẻ hơn 7.000 bài giảng E-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa vào kho học liệu chung ngành Giáo dục cả nước. Hiện, kho học liệu này tiếp tục được các giáo viên, nhà trường tích cực bổ sung để chia sẻ những giáo án, bài giảng, hoạt động giáo dục... cũng như tham khảo phương pháp giảng dạy hiệu quả.
“Cánh tay” đắc lực
Kho học liệu số là nơi lưu trữ các tài liệu học tập gồm: các bài giảng, giáo án điện tử, tranh, ảnh, video clip, hệ thống câu hỏi kiểm tra, đánh giá… được xây dựng trên nền tảng công nghệ số và truy cập qua internet bằng máy tính, điện thoại thông minh... Từ kho học liệu này, giáo viên được cấp quyền truy cập có thể tham khảo, nghiên cứu và bổ sung, chia sẻ các học liệu hay. Đánh giá về hiệu quả mà kho học liệu số đem lại, cô Hoàng Thị Kiều Hạnh, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền) cho biết: "Ưu điểm là tiết kiệm thời gian và chi phí trong tìm kiếm tài liệu hỗ trợ giảng dạy. Trước đây, để bổ sung, làm phong phú kiến thức bài giảng, giáo viên phải tìm kiếm nhiều nguồn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo khác nhau tại các thư viện hoặc nhà sách. Sau này khi tìm trên Google, kết quả hiển thị quá nhiều, khiến nội dung tìm kiếm không tập trung, đôi khi không có nội dung chuyên sâu cần tìm. Nay nếu truy cập vào kho học liệu số, giáo viên được tiếp cận ngay với các tài liệu mới nhất và đa dạng nhất chuyên ngành từ các nguồn chính thống, chọn lọc và có độ tin cậy cao. Kho học liệu số giúp giáo viên mở rộng kiến thức một cách hiệu quả và ít tốn kém thời gian, công sức và chi phí nhất".
Cũng được thụ hưởng từ việc khai thác nguồn học liệu số của ngành cho công tác giảng dạy, cô Lê Minh Thu, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Ngô Quyền) bày tỏ: Kho học liệu số được truy cập từ bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào qua mạng internet, do vậy, còn giúp giáo viên tiếp cận tài liệu nhanh chóng, kịp thời và dễ tìm kiếm tài liệu phù hợp.
Không chỉ sử dụng nguồn học liệu số dùng chung, nhiều nhà trường còn chủ động tự bồi dưỡng, nghiên cứu và sử dụng nhiều phần mềm để xây dựng kho học liệu, ứng dụng hiệu quả vào công tác quản lý, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường mầm non Sao Mai (huyện Thủy Nguyên) thông tin: "Trong năm qua, nhà trường xây dựng kho học liệu số với 70 chủ đề/dự án, 40 giáo án thi giáo viên giỏi các cấp được vận dụng trí tuệ AI trong thiết lập ý tưởng, tạo nội dung, hoạt động, minh hoạ bảng chơi sinh động để giáo viên linh hoạt lựa chọn vận dụng thực hiện tại lớp của mình. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng 50 bài thuyết trình biện pháp thi giáo viên giỏi các cấp, 30 sách truyện điện tử với nhiều chủ đề, bài học các độ tuổi, 80 trò chơi điện tử, 30 video truyện, thơ, khám phá, 25 quy trình quản lý lớp học cùng hàng chục mô hình, biểu bảng. Kho học liệu điện tử tiếp tục được nhà trường thiết kế, bổ sung trong các năm học tiếp theo".
Đẩy mạnh xây dựng kho học liệu số
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt, Giáo dục là một trong 8 ngành, lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước. Trong đó, có ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến... Theo Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Trần Tiến Chinh, ngành Giáo dục thành phố tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá... Việc triển khai thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu đến 100% đơn vị trực thuộc và cơ sở giáo dục trên toàn thành phố chính là nền tảng đầu tiên và mang tính căn bản của quá trình này.
Từ Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, Sở GD-ĐT kết nối 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn với các cơ quan quản lý; đánh mã định danh và số hóa thông tin hồ sơ hơn 500 nghìn học sinh và hơn 32 nghìn cán bộ, giáo viên của hơn 750 cơ sở giáo dục. Đặc biệt, ngành Giáo dục Hải Phòng thúc đẩy phát triển kho học liệu số ở các cấp học, môn học gắn với việc chia sẻ học liệu giữa các nhà trường, từ đó hình thành kho học liệu số toàn ngành Giáo dục Hải Phòng; giúp giáo viên tiếp cận hàng nghìn bài giảng và giáo trình điện tử đã được thẩm định nội dung. Đặc biệt, Giáo dục Hải Phòng còn đóng góp và chia sẻ với hệ thống cả nước hơn 7.000 bài giảng E-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa trên internet.
Phó giám đốc Sở GDĐT Phạm Quốc Hiệu cho rằng, xây dựng kho học liệu điện tử các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là nội dung quan trọng trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành nhằm hỗ trợ, nâng cao chất lượng giảng dạy trong các nhà trường. Thời gian qua, các giáo viên, nhà trường tích cực xây dựng, đóng góp vào kho học liệu dùng chung của ngành, được Bộ GD-ĐT đánh giá cao. Sở tiếp tục yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, lựa chọn giáo viên giỏi, cốt cán nghiên cứu, chọn lọc nội dung cốt lõi của bài học, chủ đề các môn học các bậc học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để xây dựng các bài giảng điện tử cho từng tiết học, môn học, khối lớp bảo đảm về nội dung và chất lượng nhằm chia sẻ, dùng chung cho các trường trong toàn thành phố. Qua đó tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cũng như nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành.