Phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: “4 tại chỗ” vẫn là giải pháp hữu hiệu

11:09 SA 02/07/2021

 

 

Ban chỉ đạo PCCC và CNCH phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) kiểm tra, hướng dẫn các thành viên Tổ dân phố số 28 thao tác sử dụng bình chữa cháy.

 

(HPĐT)- Từ 1-4 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cứu được 8 người thoát khỏi đám cháy, bảo vệ tổng số tài sản hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, với hàng nghìn hộ dân sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Hải Phòng không thể chủ quan, bởi nguy cơ cháy nổ đối với các hộ dân nói trên luôn tiềm ẩn.


“Bà hoả” rình rập


Tận dụng mặt bằng nhà ở, nhất là các tuyến phố chính, nhiều người dân cải tạo để trực tiếp sử dụng hoặc cho thuê mặt bằng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Dung, 39 tuổi, chủ cửa hàng bán chăn, ga, gối, đệm trên phố Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) cho biết: Nhà có 4 tầng, gia đình tôi sử dụng 2 tầng để trưng bày, bán sản phẩm, còn lại 6 người ăn ở, sinh hoạt ở 2 tầng trên cùng.

 

Căn nhà chị Dung sử dụng kinh doanh chứa nhiều sản phẩm dễ cháy, nhưng không có vách ngăn với khu sinh hoạt gia đình. Thiết bị chữa cháy duy nhất là chiếc bình bọt nằm khuất dưới chân cầu thang. Khi được hỏi về biện pháp PCCC, chị Dung không giấu giếm: “Cán bộ phường cũng đến tuyên truyền, vận động gia đình lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhưng 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức mua giảm, doanh thu của cửa hàng eo hẹp, nên tôi chưa thể đầu tư”.

 

Trực tiếp đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động gần 300 chủ hộ ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC, bác Phạm Duy Vi, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 38, phường Dư Hàng Kênh bộc bạch: Qua các kênh truyền hình, báo chí mọi người đều nhận thức được sự nguy hiểm của cháy nổ, đối với dạng nhà ống kết hợp sản xuất, kinh doanh và san sát nhau. Trong đó, nhiều nhà không có lối thoát hiểm. Một số ngõ được bố trí họng nước phục vụ công tác chữa cháy, nhưng nhiều hộ dân trong ngách, cách xa tới gần 1 cây số, lối đi hẹp, xe PCCC khó tiếp cận khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

 

Ước tính, trên địa bàn thành phố có hàng chục nghìn hộ dân sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại các tuyến phố chính và trong các ngõ, ngách. Trung tá Cao Hải Đăng, Phó trưởng Công An quận Lê Chân chia sẻ: Do lịch sử để lại nên phần lớn nhà ở kết hợp sản xuất- kinh doanh không có thiết kế hệ thống phòng cháy từ đầu. Nếu cải tạo thì chi phí cho lĩnh vực này không nhỏ, ít thì vài chục triệu đồng, nhiều lên tới hàng trăm triệu, quá khả năng tài chính của các hộ dân. Từ thực tế tại các vụ cháy, để phá bức tường ngăn, mở được chiếc cửa sắt, cửa cuốn, lực lượng chức năng phải mất vài chục phút, khi đó nạn nhân có thể tử vong do ngạt khói. Bởi vậy, nếu không làm tốt công tác phòng ngừa, khi xảy ra sự cố cháy, nổ tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hậu quả khôn lường.

 

Cứu nhà hàng xóm là cứu chính mình


Đến nay, vợ chồng ông Nguyễn Đức Mười, 62 tuổi, trú tại số nhà 8/61/476 Chợ Hàng (quận Lê Chân) vẫn cảm thấy quá may mắn khi nhiều tài sản giá trị trong nhà vẫn nguyên vẹn. Khoảng 17 giờ ngày 20-1-2021, trong lúc cả nhà ông Mười đi vắng thì xảy ra cháy. Phát hiện khói và mùi khét từ trong nhà ông Mười bốc ra, các hộ dân chung quanh gọi đến Công an phường thông báo, đồng thời nhanh chóng phối hợp dùng búa, rìu phá cửa sắt, huy động bình chữa cháy của các hộ lân cận để dập tắt đám cháy tại khu vực máy hút mùi trong bếp của gia đình.

 

Trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ cháy kể trên, ông Võ Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) đánh giá: Giải pháp hữu hiệu vẫn là “4 tại chỗ”, trong đó phát huy vai trò của các tổ dân phố an toàn về PCCC và tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm các hộ dân. Với phương châm không làm hình thức, đối phó, cán bộ tuyên truyền vừa hướng dẫn hộ dân ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC, vừa dán khuyến cáo các biện pháp PCCC ngay ở cửa ra vào hoặc khu vực bếp để mọi thành viên trong nhà dễ thấy, dễ đọc, từ đó nâng cao ý thức thực hiện. Ông Dũng cho biết thêm, 40 tổ dân phố trên địa bàn phường được trang bị thang gỗ, thang dây, búa, rìu, 5 bình chữa cháy. Phường cũng vận động mỗi nhà dân tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy, những hộ đặc biệt khó khăn, phường sẽ tính đến phương án hỗ trợ một phần hoặc tặng. Đồng thời, tư vấn các hộ dân mở lồng sắt, lưới sắt, kính bịt kín ở khu vực lan can hoặc trên tầng thượng, mái nhà để thoát nạn khi xảy ra cháy.

 

Sau 2 tháng thực hiện đợt cao điểm của Bộ Công an về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình nói chung và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nói riêng, Hải Phòng không xảy ra cháy lớn, cháy lan nghiêm trọng làm chết người, nhưng đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết: Thời gian tới lực lượng công an tiếp tục tham mưu cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn PCCC. Trong đó, chú trọng nâng cao ý thức của người dân thông qua cách thức phòng ngừa tai nạn, sự cố; kỹ năng thoát nạn, kỹ năng chữa cháy, từ đó giảm thiểu số vụ cháy hoặc nếu có sự cố sẽ giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.

 

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần quan tâm, trách nhiệm trong phòng ngừa nguy cơ cháy nổ để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của gia đình mình và cộng đồng./.