Chuyển đổi số tại quận Ngô Quyền: Phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
(HPĐT)- Thực hiện chương trình chuyển đổi số, giai đoạn 2022-2024, quận Ngô Quyền tập trung cao xây dựng chính quyền số và đưa các ứng dụng số vào đời sống. Đến nay, công tác chuyển đổi số tại quận ghi nhận hiệu quả rõ nét và người dân, doanh nghiệp trực tiếp hưởng lợi. Đây là cơ sở để quận tiếp tục thực hiện chuyển đổi số sâu rộng và thực chất hơn.

Tích cực số hóa đời sống
Từ giữa tháng 3-2025, khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền), người dân cảm thấy khá hài lòng và tiện ích với mô hình “Thẻ chờ thông minh” do UBND phường phối hợp với Đoàn Thanh niên triển khai. Thay vì lấy số, ngồi chờ gọi đến lượt, người dân đến giao dịch được nhận một thẻ từ kết nối với bàn điều khiển thứ tự thông qua sóng radio. Khi đến lượt công dân, thẻ từ báo rung, nháy đèn và khẽ phát tiếng kêu để người dân nhận biết đến lượt giao dịch. So với hình thức lấy số tự động đang áp dụng phổ biến tại bộ phận “một cửa” các cấp hiện nay, mô hình này có ưu điểm tiết kiệm chi phí đầu tư và bảo trì, không tiêu hao vật tư, thân thiện với môi trường, không phát tiếng ồn lớn, kích thước nhỏ gọn…
Cùng với “Thẻ chờ thông minh”, phường Cầu Tre áp dụng “Cẩm nang điện tử” thay thế phương thức hướng dẫn thủ tục hành chính bằng văn bản truyền thống. Tất cả thông tin, danh mục thủ tục hành chính được tích hợp và có thể tra cứu thông qua mã quét QR, đặc biệt, có đường link đánh giá sự hài lòng, phản ánh kiến nghị của người dân khi đến giao dịch. Trước đó, phường đi đầu triển khai các mô hình về chuyển đổi số như: “Xe lưu động hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Bảng tin thân thiện”, “Tủ sách pháp luật số”. Đây là các ứng dụng tuy nhỏ nhưng mang lại tiện ích thiết thực cho người dân, nhất là người lớn tuổi, lao động phổ thông.
Theo đồng chí Đặng Văn Khởi, Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền, từ năm 2022 đến nay, công tác chuyển đổi số được quận tập trung triển khai toàn diện trên các lĩnh vực và đạt được một số kết quả cụ thể. Nổi bật, các ứng dụng số được phổ biến rộng rãi vào đời sống, góp phần phát triển xã hội số và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đến nay, thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn quận. Toàn quận lắp đặt 150 camera giám sát giao thông, an ninh trật tự kết nối với Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh. 272 loa truyền thanh thông minh được lắp đặt tại 8/8 phường phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân.
Quận Ngô Quyền là địa phương đầu tiên hoàn thành việc chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng quận quản lý; cấp mã QR code đến từng hộ dân để thông tin của địa phương, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, thành phố và quận. 100% cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, quản lý thông tin, kết quả học tập và quản trị nhà trường, duy trì thu phí không dùng tiền mặt. 16 di tích được xếp hạng trên địa bàn quận được số hóa thông tin; 7/7 di tích lịch sử cấp thành phố được gắn mã QR code tuyên truyền, quảng bá…
Xây dựng chính quyền số
Bên cạnh phát triển xã hội số, quận Ngô Quyền đặc biệt chú trọng xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước; đồng thời phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Giai đoạn 2022-2025, quận đầu tư khoảng 21,6 tỷ đồng để triển khai một số nội dung xây dựng chính quyền số. Trong đó, phân bổ gần 14 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm từ quận đến các phường để phục vụ công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Đến nay, quận đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành quận (IOC); xây dựng hoàn thiện hệ thống tổng hợp dữ liệu dùng chung (DSS) cập nhật kết hợp vào Trung tâm giám sát, điều hành hiển thị hệ thống dữ liệu kinh tế - xã hội theo từng tháng, quý, năm nhằm hỗ trợ ra quyết định điều hành, chỉ đạo kịp thời; hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên bản đồ số (WEBGIS).
Hệ thống cơ sở dữ liệu đang được quận tích cực phối hợp với các sở, ngành tập trung số hóa. Trong đó, quận hoàn thành chỉnh lý, số hóa tài liệu lưu trữ lịch sử từ năm 1960 đến năm 2020, tài liệu lưu trữ nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ quận phục vụ khai thác, tra cứu dữ liệu. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành số hóa dữ liệu chuyên ngành. Quận hoàn thành giai đoạn 1, 2 số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính năm 2021 trở về trước và tiếp tục triển khai theo lộ trình giai đoạn 3. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường được số hóa ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ và ký số kết quả giải quyết thủ tục hành chính... Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ, thông tin giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời làm đầy dữ liệu, thuận tiện việc khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong hoạt động quản lý, điều hành.
Cũng theo đồng chí Đặng Văn Khởi, Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền, thời gian tới, chuyển đổi số tiếp tục được quận xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Quận đẩy mạnh hoạt động Tổ công tác đề án 06/CP và công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cho người dân; nghiên cứu lắp đặt camera AI trên một số tuyến phố; xây dựng hệ thống phản ánh hiện trường của quận; phấn đấu phổ cập 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 95%...