Rất khó, nhưng làm được...
Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Vũ Đức Hoan cho biết, thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, công ty đang chủ trương không thu tiền điện tại nhà mà từng bước hướng dẫn khách hàng nộp tiền qua ngân hàng hoặc nộp trực tiếp tại quầy. Như vậy, công ty dôi ra hơn 300 nhân viên thu ngân. Những tưởng đây là tin vui vì giảm được số lao động nhưng thực tế nan giải hơn. Theo ông Hoan, số lao động này không thể cho nghỉ việc vì hầu hết được ký hợp đồng dài hạn từ nhiều năm trước. Nhưng cũng rất khó sắp xếp công việc mới phù hợp cho họ vì nhân lực của công ty đang thừa. Việc áp dụng công nghệ thông tin cũng như xây dựng lưới điện thông minh khiến số lao động trực tiếp giảm nhiều so với trước.
Năm 2016, công ty cũng thực hiện cuộc “cách mạng” luân chuyển, bố trí, sắp xếp lại hàng trăm lao động từ gián tiếp xuống trực tiếp, từ khối văn phòng xuống các điện lực các quận, huyện… Rất nhiều ý kiến, rất nhiều sự can thiệp, nhưng cuối cùng, vì sự sống còn của doanh nghiệp, phần lớn người lao động chấp thuận công việc mới. Tuy nhiên, với số nhân viên thu ngân hiện nay, công ty đang đứng trước bài toán khó, “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, chưa có giải pháp nào thật hữu hiệu. Nếu làm kiên quyết, không tránh khỏi chuyện đơn thư khiếu kiện, mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết.
Câu chuyện luân chuyển, sắp xếp giáo viên cũng đang là vấn đề nóng của ngành giáo dục. Theo lãnh đạo UBND quận Lê Chân, việc giải quyết, luân chuyển lao động hợp đồng ngoài biên chế gặp nhiều vướng mắc, khó xử, chứ chưa nói tới diện luân chuyển trong biên chế. Số lao động hợp đồng ngoài biên chế của quận chủ yếu trong ngành giáo dục. Ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố, quận chủ động rà soát, sắp xếp, nhưng khó khăn nhất vẫn là các trường hợp lao động hợp đồng ngoài biên chế khu vực các trường THCS, nhất là các giáo viên tiếng Anh, nhạc họa…; nhiều trường hợp làm việc hàng chục năm. Vì vậy, quận phải thực hiện từng bước, rất thận trọng, giao Phòng Nội vụ phối hợp Phòng GDĐT, Phòng Tài chính-Kế hoạch và các trường học rà soát, đối chiếu cụ thể và đề xuất phương án sử dụng lao động phù hợp yêu cầu để xét duyệt, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định, nhưng ổn định tư tưởng người lao động. Mặc dù vậy, từ trường tới quận đều kêu khó.
Thế mới biết, nhận người thì dễ nhưng sắp xếp, điều chuyển, luân chuyển người lao động không hề đơn giản. Trong khi đó, trước yêu cầu ngặt nghèo về tinh giản biên chế, đây là việc không thể không làm nhưng làm là động chạm, là rắc rối. Tại Hải Phòng, xảy ra không ít chuyện phức tạp liên quan tới luân chuyển, điều động lao động. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang “đau đầu” vì số lượng lớn lao động tuy doanh nghiệp không còn nhu cầu nhưng cũng không thể sắp xếp, điều chuyển mà vẫn phải trả lương, từ đó đội chi phí, giảm lợi nhuận.
Tuy nhiên, qua việc thực hiện điều động, sắp xếp lao động tại một số ngành, doanh nghiệp và địa phương cho thấy, nếu thật công tâm, khách quan, có tình, có lý, minh bạch, vẫn có thể thực hiện được. Vấn đề đặt ra là với từng trường hợp lao động, cần xem xét cụ thể tới năng lực, điều kiện, khả năng thích ứng công việc và hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng, làm tốt công tác tư tưởng trước khi điều động mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bảo đảm sự ổn định của cơ quan, đơn vị, các ngành, địa phương.
Trọng Nhân