Nhạy bén, trách nhiệm cao
(HPĐT)- Du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam từ tháng 5-2024, sản phẩm Baby Three (dòng đồ chơi búp bê hộp bí mật) trở thành “cơn sốt” đối với một bộ phận người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Thời gian qua, sản phẩm này đạt doanh thu khá cao trên thị trường đồ chơi, trong đó có các sàn thương mại trực tuyến như Shopee, TikTok Shop… Thế nhưng, giờ đây, Baby Three nhanh chóng bị người tiêu dùng Việt “quay lưng” khi phát hiện một phiên bản có hình ảnh nghi vấn liên quan đến “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn) phi lý, xâm phạm chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông. Sự việc nhanh chóng gây phẫn nộ trên mạng xã hội, làm dấy lên làn sóng phê phán. Tương tự, mới đây một thương hiệu trà sữa ngoại khi chuẩn bị khai trương tại Việt Nam cũng đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng khi sử dụng hình ảnh chứa thông tin sai lệch về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhiều ý kiến phản đối, kêu gọi người tiêu dùng không ủng hộ thương hiệu trà sữa trên. Những hành động trên thể hiện sự nhạy bén, ý thức, trách nhiệm của người dân Việt Nam. Đồng thời, một lần nữa nhấn mạnh bài học mà các thương hiệu, sản phẩm ngoại cần hiểu rõ: muốn được người tiêu dùng Việt chấp nhận thì phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam - điều thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt.
Thực tế, đây không phải lần đầu xảy ra chiêu trò “cài cắm” “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm tiêu dùng. Sự việc là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, luôn cần giữ tinh thần cảnh giác trong cuộc sống hằng ngày. Điều đáng nói là các sản phẩm trên hướng đến những người trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, sự tiếp xúc, giao lưu kinh tế - xã hội, văn hóa ngày càng mở rộng, cũng đặt ra không ít lo ngại khi người trẻ “va chạm” với nhiều “làn sóng” văn hóa cũng như các trào lưu bên ngoài, tốt xấu đan xen, có cả không ít chiêu trò, thủ đoạn tinh vi hòng tác động đến nhận thức, đe dọa an ninh của đất nước. Song, qua cách ứng xử của thế hệ trẻ, chúng ta có thể tự hào, hãnh diện về những thế hệ tương lai của đất nước khi họ chủ động xây dựng cho bản thân bản lĩnh vững vàng, khả năng nhận diện nhạy bén, “sức đề kháng” mạnh mẽ, đấu tranh trực diện với những hành vi sai trái bằng nhiều hình thức phù hợp. Cùng với đó, tuổi trẻ còn triển khai nhiều chương trình thiết thực hướng về biển, đảo quê hương như: “Check-in cùng bản đồ Việt Nam”, “Tự hào một dải non sông”, “Hành trình vì biển, đảo quê hương”…
Đối với các đơn vị, lực lượng chức năng, công tác đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia được thực hiện khéo léo, linh hoạt, theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đơn cử, trong 5 năm (2019-2024), Bộ đội biên phòng Hải Phòng phát hiện hơn 1.000 thuyền viên sử dụng hộ chiếu phổ thông điện tử có in hình “đường lưỡi bò” xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu cảng Hải Phòng. Kiên định, nhất quán với quan điểm “chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm”, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng không đóng dấu lên hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” mà tiến hành cấp thị thực rời cho thuyền viên. Qua đó, thể hiện quan điểm không công nhận bản đồ có “đường lưỡi bò” dưới bất kỳ hình thức nào.
Các vụ việc xảy ra cũng là bài học kinh nghiệm với cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường chế tài xử lý đối với những nhà sản xuất, nhà phân phối, phát hành tại Việt Nam khi để “lọt” những sản phẩm có dụng ý xấu vào thị trường. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, luôn tỉnh táo, nhạy bén trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm, thương hiệu từ nước ngoài, cũng là góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước.