Phòng, chống bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản: Cần sự chủ động phối hợp giữa cơ sở y tế và người dân
(HPĐT)- Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các loại nguyên nhân gây bệnh và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, Hải Phòng là địa phương có tỷ lệ người dân mắc COPD, hen phế quản cao nhất cả nước, tuy nhiên lại rất ít người có kiến thức về bệnh.

Tăng cường hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người dân
Cứ vài tháng, ông Nguyễn Xuân Mộc, 70 tuổi, ở thôn Động, xã Thủy Triều (huyện Thủy Nguyên) lại tới Bệnh viện Phổi Hải Phòng để thăm khám, điều trị bệnh. Ông cho biết: “Tôi phát hiện mắc bệnh COPD và hen phế quản cách đây khoảng 20 năm với các dấu hiệu thường xuyên lên cơn khó thở, ho kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, do chủ quan nên tôi chỉ ra hiệu thuốc mua thuốc về uống, chỉ khi bệnh nặng mới tới bệnh viện huyện để khám và điều trị. Cách đây vài năm, được biết Bệnh viện Phổi Hải Phòng có điều trị bệnh COPD và hen phế quản nên gia đình đưa tôi tới đây điều trị lâu dài. Sau thời gian điều trị tại đây, nhất là được tuyên truyền, hướng dẫn tận tình của các bác sĩ, nhân viên y tế, tôi thấy bệnh tình chuyển biến tốt, tần suất lên cơn cấp giảm rõ rệt, từ 1 tuần/lần, nay giảm xuống còn 5-6 tháng/lần”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Ninh, Khoa Nội 1 (Bệnh viện Phổi Hải Phòng) bên cạnh công tác chuyên môn là khám, chữa bệnh, đối với các y, bác sĩ, hoạt động truyền thông và giáo dục sức khỏe thông qua tổ chức mô hình câu lạc bộ người bệnh hen, COPD đóng vai trò quan trọng. Qua đó giúp người bệnh hiểu, thực hiện và duy trì các phương pháp điều trị cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng sống. Ngoài ra, đây còn là nơi kết nối gần hơn giữa bác sĩ với người bệnh, người bệnh với người bệnh để những người mắc các bệnh này được chăm sóc tốt hơn. Nhất là trong mỗi đợt sinh hoạt định kỳ, các y, bác sĩ sẽ cung cấp thêm kiến thức, thông tin hữu ích để người bệnh và người nhà có thêm kinh nghiệm trong cách kiểm soát cơn hen và COPD đợt cấp, từ đó hạn chế số lần nhập viện, phục hồi chức năng hô hấp.
COPD là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Bệnh diễn tiến nhanh và nặng dần, gây ra nhiều biến chứng như tràn khí màng phổi, suy tim, giảm tuổi thọ, tàn phế. Thế giới có khoảng 384 triệu người bệnh COPD và có khoảng hơn 300 triệu người bệnh hen phế quản. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc COPD là 4,2% dân số. Tính riêng tại Hải Phòng, do đặc thù một số vùng trồng thuốc lào, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ mắc COPD, hen phế quản khoảng 80 nghìn người, trong đó ở một số địa phương tỷ lệ mắc bệnh là 5,1 đến 7,8% dân số.
Tích cực phối hợp, nâng cao hiệu quả điều trị
Trước tỷ lệ người mắc COPD và hen phế quản tăng cao so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống COPD và hen phế quản theo quyết định phê duyệt số 2331/QĐ -TTg năm 2010. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định số 376/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, giai đoạn 2015 - 2025, trong đó mục tiêu đến năm 2025 có hơn 70% người dân có hiểu biết về COPD, hơn 50% người bệnh COPD được chẩn đoán sớm và điều trị đúng; giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành.
Hải Phòng tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống COPD và hen phế quản từ năm 2013. Giám đốc Sở Y tế Lê Minh Quang cho biết, thành phố phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế trong triển khai các nội dung trong chương trình như thành lập Ban Chỉ đạo chương trình phòng, chống COPD và hen phế quản thành phố, trong đó, giao Bệnh viện Phổi Hải Phòng làm đầu mối triển khai; tham gia các khóa tập huấn, thành lập Phòng quản lý COPD và hen phế quản, thực hiện khám sàng lọc phát hiện bệnh tại nhiều địa phương; quản lý, điều trị COPD và hen phế quản cho hàng nghìn người bệnh. Từ năm 2015 đến năm 2024, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, phối hợp cùng Hội Phổi Việt Nam, Hội Hô Hấp Việt Nam, Thành Hội Y Dược học Hải Phòng hằng năm tổ chức hội nghị hô hấp Hải Phòng (HAPRESCO). Hội nghị là diễn đàn lớn để giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không chỉ cho bác sĩ, điều dưỡng trên địa bàn thành phố, mà còn cho các y, bác sĩ từ nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam thông qua việc trao đổi, cập nhật và thống nhất các phương pháp điều trị mới liên quan đến bệnh COPD và hen phế quản.
Theo GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, cho đến nay chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn COPD. Tuy nhiên, nếu tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể được kiểm soát tình trạng bệnh và giảm số đợt cấp cần nhập viện. Trong đó, không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa, thay đổi diễn tiến ở tất cả giai đoạn của bệnh. Bên cạnh đó, mỗi người cần hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Ngoài ra, người dân chú trọng tiêm phòng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhất là tiêm vaccine phòng cúm và phế cầu; tăng cường tập thể dục, tập thở cũng là giải pháp các bác sĩ khuyến khích.