Tăng cường quản lý nguồn gốc, chất lượng thuốc

05:26 CH 09/02/2025

(HPĐT)- Trước nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng len lỏi trên thị trường thành phố, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Từ đó, góp phần ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, bảo đảm hiệu quả điều trị, an toàn và sức khỏe cho người bệnh.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo.

 

Tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp 

Chánh Thanh tra Sở Y tế Phạm Thị Trà cho biết, năm 2024, Thanh tra Sở phối hợp các phòng nghiệp vụ thanh, kiểm tra chuyên ngành 23 cuộc, trong đó 12 cuộc theo kế hoạch, 11 cuộc đột xuất; ban hành 101 quyết định xử phạt hành chính đối với 19 tổ chức và 82 cá nhân, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 926 triệu đồng. Ngoài các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, còn có các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh dược. Cụ thể, để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc; bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn; bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; không có biện pháp cách ly hoặc để ở khu vực biệt trữ đối với thuốc hết hạn dùng; không niêm yết giá bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh; lưu trữ thuốc không thuộc phạm vi kinh doanh được ghi trong Giấy chứng nhận đủ diều kiện kinh doanh dược; bán thuốc cho cơ sở không đúng phạm vi kinh doanh trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược… 

Năm 2024, Thanh tra Sở Y tế ban hành Quyết định xử phạt 15,9 triệu đồng đối với chủ hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm chuyên môn của Nhà thuốc Phú Vinh (thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, nay là phường Thủy Đường, thành phố Thủy Nguyên) do có hành vi “Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, “Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”. Hay xử phạt 4 triệu đồng đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc Cô Sinh ở phường Bàng La (quận Đồ Sơn) do vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, ủy quyền khi vắng mặt không theo quy định của pháp luật… “Thời gian qua, lực lượng chức năng thành phố tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; đáp ứng đủ thuốc cho nhu cầu nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của các đơn vị gửi về Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong năm 2024, vẫn phát hiện các lô thuốc giả, như: Viên nén Cefixim 200, Viên nén Cefuroxim 500, Viên nén Clorocid TW3, Viên nén Tetracyclin TW3…” - Chánh Thanh tra Sở Y tế Phạm Thị Trà cho biết.

Chống thuốc giả, không rõ nguồn gốc 

Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa sản xuất buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc kém chất lượng; bảo đảm đủ thuốc có hiệu quả điều trị, an toàn, giá thành hợp lý cho người sử dụng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn có kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá thành hợp lý. Cùng với đó, dự trữ đầy đủ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong thời điểm giao mùa đông, xuân. Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại công văn số 7173/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tiến Sơn cho biết, Sở giao Phòng Nghiệp vụ Dược phối hợp Thanh tra Sở Y tế, Phòng Quản lý hành nghề tư nhân, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn, chú trọng đến việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các thuốc do cơ sở kinh doanh; việc duy trì đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP); thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc. Trường hợp phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng truy tìm nguồn gốc, xử lý nghiêm các vi phạm, báo cáo kết quả về lãnh đạo Sở. Đồng thời, Sở giao Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hải Phòng tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng phối hợp các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không bảo đảm chất lượng; chỉ mua, bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp được các cơ quan chức năng cấp phép; việc mua/bán phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ… 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập