Tạo thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT), trên địa bàn thành phố hiện thiết lập hơn 20 vùng đủ điều kiện để sản xuất nông sản, thủy sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Đây là các vùng thí điểm thành công gắn tem truy xuất nguồn gốc theo mã vạch điện tử đối với 25 sản phẩm trồng trọt an toàn như dưa, gạo, rau ăn lá…
![]() |
Sản phẩm rau, dưa được trồng trong nhà lưới, bảo đảm an toàn gắn truy xuất nguồn gốc trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo. |
Gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ
Theo Phó giám đốc Thường trực Sở Nông nghiệp - PTNT Đinh Công Toản, từ cuối năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thí điểm “chương trình sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. Chương trình áp dụng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Sở Nông nghiệp - PTNT xây dựng 20 vùng đủ điều kiện sản xuất nông sản, thủy sản ở các huyện: An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy. Dựa theo đặc trưng thổ nhưỡng và truyền thống canh tác nông sản ở mỗi địa phương, các mô hình xây dựng từng vùng sản xuất an toàn với các sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Đó là sản phẩm rau ăn lá, súp lơ, bắp cải ở các xã An Thọ (An Lão), Hùng Tiến (Vĩnh Bảo), Tú Sơn (Kiến Thụy). Huyện Tiên Lãng có cà chua ở Tân Hưng, Hùng Tiến; gạo nếp cái hoa vàng ở Đại Thắng; nấm mỡ, nấm sò ở Quang Phục; khoai tây, bí đỏ ở Cấp Tiến và măng tây ở Vĩnh Tiên. Một số sản phẩm khác: dưa vàng ở Tân Hưng (Vĩnh Bảo), nếp xoắn Tân Trào (Kiến Thụy).... Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Tiên Vũ Đức Thuận cho biết, đơn vị thực hiện chuỗi khép kín từ sản xuất, sơ chế đến tìm “đầu ra” cho sản phẩm rau ăn lá, khoai tây, măng tây. Giá trị kinh tế cao hơn từ 10 đến 20% nhờ sản phẩm gắn tem truy xuất nguồn gốc, tạo thương hiệu trên thị trường.
Qua hạch toán đánh giá của ngành Nông nghiệp - PTNT, mô hình sản xuất an toàn gắn tem truy xuất nguồn gốc tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng nông sản và giá trị thương hiệu sản phẩm. Trong đó, nhóm rau ăn lá, quả, củ có giá trị tăng từ 1,5 đến 1,8 lần; dưa vàng tăng 1,8 lần; gạo chất lượng tăng 1,5 lần so với sản xuất đại trà. Ngoài lợi ích kinh tế lớn cho người sản xuất, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn giúp thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 nhà “nhà quản lý- doanh nghiệp - người sản xuất - người tiêu thụ”. Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Đoàn Hữu Thanh cho biết, thông qua việc truy xuất nguồn gốc, người sản xuất, người tiêu dùng nâng cao nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng nông sản sạch, chất lượng; kiểm soát được tối đa việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; thúc đẩy quy trình liên kết tiêu thụ nông sản sạch. Nhà quản lý kiểm soát hiệu quả hơn chất lượng hàng, tránh tình trạng nhập nhèm, gian lận, trà trộn hàng nhái kém chất lượng, mượn thương hiệu để trục lợi trong kinh doanh, buôn bán. Người dân dễ dàng mua được nông phẩm sạch.
Dễ dàng truy xuất nguồn gốc
Triển khai mô hình sản xuất an toàn gắn truy xuất nguồn gốc, đến nay ngành Nông nghiệp - PTNT hỗ trợ các cơ sở sản xuất (chủ yếu là các HTX) hơn 300 nghìn tem logo, tem truy xuất; 2,5 tấn túi đựng sản phẩm, 5 nghìn tờ gấp giới thiệu sản phẩm, 10 biển hiệu... Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn thành phố khá dễ dàng giúp người tiêu dùng cập nhập thông tin chi tiết, chính xác về tên sản phẩm, hộ sản xuất, địa chỉ, ngày xuất bán... của các sản phẩm. Để kích hoạt tem bán nông sản, các hộ, cơ sở sản xuất nhắn tin theo cú pháp có sẵn gửi đến số 8085 là nhận được tin nhắn trả về của tổng đài hỗ trợ kích hoạt thành công. Trên tem truy xuất có mã số tổng hợp lưu trữ tất cả các thông tin cơ bản về sản phẩm như: tên sản phẩm, hộ sản xuất, xứ đồng, ngày xuất bán...
Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hải Phòng đến năm 2020, ngành phấn đấu 100% diện tích được sản xuất an toàn theo VietGAP với 18 nghìn ha, sản lượng dự kiến đạt 432.000 tấn/năm. Thành công trong thí điểm thiết lập hồ sơ vùng sản xuất an toàn gắn truy xuất nguồn gốc, ngành Nông nghiệp - PTNT đang xây dựng, hỗ trợ 20 cơ sở, tương đương 800 ha sản xuất, liên kết tiêu thụ là vùng vệ tinh cung cấp sản phẩm cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển VinEco là cơ sở để mở rộng sản xuất theo mô hình này. Đồng thời, ngành phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ, chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP; hình thành nhóm sản phẩm chủ lực với 200 loại sản phẩm nông nghiệp, thủy sản được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Về phía người tiêu dùng, việc truy xuất nguồn gốc nông sản cũng rất đơn giản: gọi điện, nhắn tin đến tổng đài hỗ trợ 8085 hoặc truy cập trang website: hpap.vn (nông sản Hải Phòng: chương trình hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn), dùng điện thoại quét mã QR Code sản phẩm là biết ngay mọi thông tin chi tiết về nguồn gốc nông sản. |
Phạm Lượng