Tháo gỡ khó khăn, chia sẻ phương pháp giảng dạy hiệu quả khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

03:24 CH 17/03/2023

 

Tác giả cuốn sách giải đáp những vấn đề vướng mắc mà giáo viên môn Vật lý nêu ra. 

 

(HPĐT)- Chiều 17-3, tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) môn Vật lý: một số khó khăn và hướng giải quyết giảng dạy. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, giáo viên môn Vật lý khối THPT và tác giả bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”…

 

 

Tác giả bộ sách trực tiếp lên lớp tiết dạy minh hoạ.

 

 

Các đại biểu tham dự hội thảo.


Năm học 2022-2023 là năm đầu ngành Giáo dục triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với khối THPT. Học sinh lớp 10 được giảng dạy theo chương trình mới nhưng năm lớp 9, các em học chương trình giáo dục hiện hành (2006). Do vậy, các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, năng lực thích hợp yêu cầu đề ra của sách giáo khoa chương trình mới. Ngoài ra, sự bố trí, sắp xếp lại các đơn vị kiến thức khiến hầu hết giáo viên gặp lúng túng trong hoạt động hướng dẫn học sinh tiếp cận, tự khám phá kiến thức theo yêu cầu của sách giáo khoa. Đây là dịp sinh hoạt chuyên môn quan trọng để các giáo viên trao đổi vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp thão gỡ khi giảng dạy môn Vật lý lớp 10.

 

 

Tiết dạy minh hoạ của cô Phạm Thị Thu Trang về chủ đề "Đặc sản ẩm thực Hải Phòng". 

 

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để tác giả bộ sách giải đáp thắc mắc và trực tiếp lên lớp tiết dạy minh hoạ nhằm tháo gỡ vướng mắc khi giảng dạy trong thực tế.

 

* Sáng cùng ngày, Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) tổ chức chuyên đề cấp thành phố môn Giáo dục địa phương lớp 7 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với chủ đề “Đặc sản ẩm thực Hải Phòng”.

 

Chủ đề “Đặc sản ẩm thực Hải Phòng” được thực hiện trong 4 tiết, thuộc nội dung Giáo dục địa phương lớp 7. Tại chuyên đề, cô Phạm Thị Thu Trang, giáo viên Trường THCS Đà Nẵng lên lớp tiết 3 và 4 (tiết 1 và 2 học sinh tìm hiểu đặc sản ẩm thực Hải Phòng và được giao nhiệm vụ triển khai dự án). Dưới hình thức sân khấu hoá, các nhóm học sinh lần lượt báo cáo sản phẩm qua những video clip, tiểu phẩm mô tả những trải nghiệm khi đi thực tế; đồng thời các em trực tiếp thực hành một khâu trong quá trình chế biến sản phẩm.

 

 

Học sinh Trường THCS Đà Nẵng phát triển năng lực, sáng tạo qua tiết học. 

 

Chuyên đề giúp học sinh hiểu rõ hơn những nét độc đáo của đặc sản ẩm thực Hải Phòng, vai trò của món ăn đối với sức khoẻ và văn hoá địa phương. Từ đó, các em có ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã được học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của địa phương.

 

 

Các em thực hành gói nem cua bể. 

 

Năm học 2022-2023 là năm thứ 2 ngành Giáo dục triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS. Nội dung giáo dục địa phương trở thành môn học bắt buộc. Với việc tổ chức chuyên đề sẽ giúp các nhà trường học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy hay trong quá trình triển khai thực hiện./.