Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Ngành Tài chính phải góp lực đẩy “cỗ xe tam mã” tăng trưởng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Thu ngân sách có xu hướng giảm
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 6 tháng đầu năm, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng cho biết, về cân đối thu NSNN, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác, nên thu NSNN những tháng đầu năm có xu hướng giảm.
Tính đến hết tháng 6-2020, tổng thu NSNN ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 51,7%); thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 54,6%). Cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán. Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.
Về điều hành chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng chi NSNN đến hết tháng 6 ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán. 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính đưa ra 10 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo. Ảnh VGP/Quang Hiếu
|
Hải Phòng đề nghị tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài chính
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nêu rõ một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố 6 tháng qua. Về thu ngân sách trên địa bàn, Hải Phòng đạt 38.193 tỷ đồng, bằng 42% dự toán Trung ương giao và bằng 88% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó thu nội địa đạt 13.797 tỷ đồng, bằng 45% dự toán Trung ương giao và tăng trưởng 13%. Chi ngân sách địa phương đạt 9161 tỷ đồng, tăng trưởng 4%.
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng.
Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn liên quan tới lĩnh vực tài chính, ngân sách. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có hướng dẫn cụ thể về việc bố trí vốn, hạch toán và thanh quyết toán kinh phí thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để địa phương căn cứ thực hiện, thu hút đầu tư; đề nghị Bộ Tài chính xem xét, loại trừ các khoản thu trước khi thực hiện xác định số tăng thu ngân sách địa phương năm 2019 dành để tính nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2020; đề nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn về các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách địa phương trong 6 tháng cuối năm 2020 bảo đảm khả năng cân đối ngân sách các cấp theo tình hình thực tế hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị
Ngành Tài chính cần góp lực đẩy “cỗ xe tam mã” tăng trưởng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dù trong bối cảnh nào, ngành Tài chính vẫn là huyết mạch của nền kinh tế. Vì thế, trong khó khăn, càng thấy vai trò quan trọng của ngành Tài chính nước nhà. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Nhấn mạnh cỗ máy tăng trưởng được ví như “cỗ xe tam mã” (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cần đóng góp lực đẩy để kéo nền kinh tế. Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển để chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra những động lực to lớn để nền kinh tế phục hồi, phát triển, tận dụng tốt cơ hội sớm khống chế thành công dịch bệnh.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tại hội nghị, được nghe nhiều ý kiến, từ thành phố Hà Nội đến Hải Phòng, Cà Mau, Sơn La và nhiều tỉnh, thành phố khác thể hiện quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu năm nay hoặc điều chỉnh rất ít. Cho rằng khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành cần phấn đấu cao nhất để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách; cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Theo Thủ tướng, tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước mà phải được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Do đó, cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta bằng những cơ chế chính sách cụ thể, thiết thực, có thể áp dụng ngay. Đồng thời, ngành Tài chính cần luôn chủ động để nền kinh tế không bị thu hẹp, ngược lại góp phần tạo ra “chiếc bánh” lớn hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Đây cũng là con đường tốt nhất để góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn. Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá, kiên quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%.
Về thu ngân sách, Thủ tướng yêu cầu không để mất cân đối lớn, không làm dự toán ngân sách bị đổ bể sâu. Về chi ngân sách, cần thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ. Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, không để xảy ra những nhũng nhiễu, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngành Tài chính cần tăng cường hợp tác chặt chẽ với phương châm một ngành phục vụ các ngành, các địa phương và nhân dân./.