Ứng dụng công nghệ AI trong giảng dạy: Đồng bộ về nhân lực và cơ sở vật chất
(HPĐT)- Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ giảng dạy, giúp học sinh có thể tiếp thu bài học dễ dàng hơn đang là xu hướng chung của ngành Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT). Hiệu quả là vậy nhưng để được nhân rộng ra đại trà cần sự đồng bộ cả về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị...
Đưa công nghệ AI vào giảng đường
Tại Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên” vừa tổ chức tại Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân), cán bộ quản lý, giáo viên tâm đắc với hiệu quả đặc biệt trong việc ứng dụng AI hỗ trợ giảng dạy. Trước đây, môn Khoa học Tự nhiên (gồm 3 phân môn Lý, Hóa, Sinh) thường khiến học sinh “ngại” vì các khái niệm mang tính trừu tượng và phức tạp, nên nếu chỉ dạy với sách giáo khoa, kiến thức dễ bị “trôi”. Tuy nhiên, giờ lên lớp “Giới thiệu về liên kết hóa học” với sự hỗ trợ đắc lực của AI, học sinh được trải nghiệm trực quan sinh động, hình ảnh minh họa những kiến thức mà trước đây chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm.
Hiệu quả mà AI mang lại trong hỗ trợ công tác giảng dạy đã rõ, nhưng cô Đỗ Thu Hiền, giáo viên Trường THCS Minh Đức (huyện Thủy Nguyên) cho rằng, để AI hiện hữu thường xuyên trong các bài giảng của giáo viên không đơn giản, đòi hỏi sự đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ giáo viên và cả năng lực học sinh. Cô Hiền cho rằng, để có thể ứng dụng thành thạo phần mềm mô phỏng cấu trúc và quá trình hình thành liên kết hóa học hay phần mềm Kahoot tạo môi trường học tập tương tác, giúp đánh giá hiệu quả hơn, giáo viên phải nỗ lực lớn, tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ và các phần mềm hỗ trợ. Theo cô Lưu Thị Mai Phương, giáo viên Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân), so với tiết học truyền thống, sử dụng AI, giáo viên không chỉ giỏi công nghệ mà còn phải đầu tư nhiều hơn về thời gian, công sức xây dựng bài giảng trong khi khối lượng công việc, tiết dạy không thay đổi. Đồng quan điểm, nhưng ở cấp quản lý, điều khiến cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cát Bà băn khoăn đến việc kiểm soát, tránh hiện tượng học sinh và cả giáo viên lạm dụng AI trong làm bài tập và soạn giảng. Cô Hương cho rằng, công cụ AI có tác động tích cực đến tư duy sáng tạo của giáo viên, học sinh, tạo cơ hội cho người sử dụng khám phá những kiến thức, kỹ năng mới, giảm thiểu nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt tiêu cực là giảm tính sáng tạo, nếu không có định hướng và kiểm soát tốt, người dùng bị phụ thuộc, lâu dần sẽ mất tự tin và suy giảm kiến thức, có thể dẫn đến hậu quả khó lường...
Mặc dù AI có thể tạo ra "cuộc cách mạng" trong giáo dục, làm thay đổi tư duy từ cách thức quản lý, vận hành của Ban giám hiệu đến hỗ trợ giáo viên có thêm công cụ mạnh trong lập kế hoạch, thiết kế bài giảng, truyền tải kiến thức, tạo môi trường học tập tuyệt vời cho học sinh nhưng trên thực tế, số cơ sở giáo dục trên địa bàn sử dụng chưa nhiều. Hải Phòng có khoảng gần 800 cơ sở giáo dục, tuy nhiên, số trường sử dụng AI vào các môn học, tiết học trong các tiết dạy hàng ngày chưa đến 20%. Bởi để triển khai được cần sự đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn năng lực làm chủ công nghệ thông tin từ phía cán bộ, giáo viên và học sinh. Nhiều trường đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng phòng học thông minh để bắt kịp xu thế, tuy nhiên, vẫn có đơn vị vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, học hỏi.
AI không thay thế vị trí của người thầy
Nắm bắt được thuận lợi, khó khăn trong việc ứng dụng AI trong hoạt động giáo dục, do vậy Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên” được coi là cơ hội để cán bộ quản lý, giáo viên thành phố nhìn nhận về vai trò và xu hướng của AI đối với hoạt động giảng dạy trong các nhà trường. Theo cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cát Bà, hội thảo là cơ hội tốt để người làm cán bộ quản lý như cô hoạch định, đầu tư, xây dựng kế hoạch triển khai sớm cả về đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực phù hợp thực tế nhà trường. Cô Lê Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho rằng: "Cốt lõi của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy không chỉ để mọi người nhìn nhận vai trò của AI trong giáo dục, mà quan trọng là tạo "cú hích" thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của cả cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó, giáo viên không ngừng tự trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, trình độ để làm chủ, sử dụng công nghệ phục vụ cho công việc, hoạt động giáo dục mà còn là cách giải quyết những thách thức của việc ứng dụng AI trong giáo dục.
Đánh giá về vai trò và xu hướng của AI trong giảng dạy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu cho rằng: Chương trình GDPT 2018 chú trọng phát triển năng lực học sinh, trong đó, có các năng lực tự chủ, tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Để phát triển toàn diện năng lực học sinh, các thầy, cô giáo cần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, trong đó, ứng dụng chuyển sổi số, công nghệ AI là xu thế tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục. Cán bộ quản lý, giáo viên cần hiểu, AI đang từng bước thay đổi cách dạy và học theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ dạy học chứ không thể thay đổi vai trò của người thầy cũng như sự tương tác của giáo viên và học sinh trong lớp. Vai trò của giáo viên trong truyền thụ, dẫn dắt học sinh tiếp thu kiến thức vẫn là trọng tâm không thể thay thế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với cán bộ quản lý, nhà giáo cần nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ, từ đó khẳng định vai trò người thầy. Ở cấp độ toàn ngành, cần những bước đi bài bản, tập huấn, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên về công nghệ thông tin; khuyến khích, nhân rộng những điển hình trong việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy để chia sẻ cách làm hay. Ngành cũng tích cực đầu tư và tham mưu địa phương dành kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm xây dựng trường học số, từ đó nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.