Ung thư tuyến giáp: Nhận biết sớm để điều trị kịp thời
Kỹ thuật mổ nội soi bằng đường miệng đang được Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Việt- Tiệp) áp dụng, đem lại kết quả tốt trong điều trị ung thư tuyến giáp.
(HPĐT)- Ung thư tuyến giáp (UTTG) chỉ chiếm 1 - 2% trong các loại ung thư, nhưng đang dần trở nên phổ biến và đứng hàng thứ 6 trong số các loại ung thư ở nữ giới. Bệnh thường có tiên lượng tốt do tiến triển chậm, có thể phẫu thuật triệt căn và đáp ứng với điều trị.
Bệnh đang trở nên phổ biến
Chị Phạm Hồng P., 33 tuổi, ở phường Hồ Nam (quận Lê Chân) có triệu chứng đau tức vùng cổ và nuốt vướng nhiều tháng nay. Đến khám và điều trị tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Việt- Tiệp), chị P. được chẩn đoán bướu giáp nhân thùy trái và được chỉ định phẫu thuật nội soi đường miệng cắt bướu giáp, ngăn chặn chuyển sang tình trạng UTTG. Sau phẫu thuật 2 ngày, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, cảm giác đau giảm hẳn và có thể ăn cháo được, giọng nói trong và gần như trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường, không để lại sẹo xấu nằm ngang cổ như phẫu thuật mổ mở thông thường.
UTTG là bệnh lý xảy ra khi các tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể. Bệnh ngày càng trở nên phổ biến với ước tính hơn 500.000 ca mới mắc và hơn 40.000 ca tử vong hằng năm trên thế giới. Bác sĩ Đỗ Đình Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Việt-Tiệp) cho biết, hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, nhưng cần chú ý một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc UTTG, như: rối loạn hệ miễn dịch; người bệnh có điều trị tia xạ lúc nhỏ; yếu tố di truyền; yếu tố tuổi tác, thay đổi hoóc-môn (thường gặp ở nữ giới); tác dụng phụ của một số loại thuốc… Bên cạnh đó, người bệnh sống gần biển, nơi có đủ i-ốt trong thực phẩm, khi có u đơn giáp trạng dễ bị ung thư hơn so với những nơi thiếu i-ốt.
Về dấu hiệu nhận biết, UTTG giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát. Trong đó, người bệnh có thể phát hiện u giáp trạng bằng cách: nhìn hoặc sờ thấy khối u ở cổ, di chuyển theo nhịp nuốt; xuất hiện hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u. Về triệu chứng muộn, khối u to, rắn, cố định trước cổ; khàn tiếng, có thể khó thở; khó nuốt, nuốt vướng do u chèn ép; da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét, chảy máu. Để chẩn đoán xác định UTTG, cần kết hợp nhiều phương pháp như thăm khám lâm sàng thấy có u tuyến giáp, siêu âm tuyến giáp và vùng cổ, chụp xạ hình tuyến giáp…, trong đó xét nghiệm tế bào và mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp nói riêng và ung thư nói chung.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời
Theo thống kê, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc UTTG ở nam giới khoảng 1,8 người/100.000 dân, ở nữ khoảng 5,6 người/100.000 dân. Tại Hải Phòng, theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Lam Hòa, Trưởng bộ môn Ung bướu (Trường đại học Y- Dược Hải Phòng), tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nam là 2,1 người/100.000 dân, đứng thứ 10 trong các ung thư phổ biến ở nam giới; tỷ lệ mắc ở nữ là 6,1/100.000 dân, đứng thứ 6 trong các ung thư phổ biến ở nữ giới.
Mặc dù tỷ lệ số người mắc tương đối cao nhưng UTTG có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cụ thể, UTTG có tiên lượng tốt, trong đó người mắc UTTG thể nhú tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 80 - 90%, người mắc thể nang tỷ lệ sống sau 5 năm từ 50 - 70%, người mắc thể tủy tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 50%, người mắc thể không biệt hóa tỷ lệ sau 5 năm dưới 50% (trung bình từ 6 - 8 tháng). Bác sĩ Đỗ Đình Toàn cho biết: “Chẩn đoán giai đoạn bệnh là cách các bác sĩ xem tế bào ung thư lan tới đâu trong cơ thể người bệnh. Tùy theo mỗi loại UTTG và giai đoạn bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, điều trị bằng phẫu thuật gồm phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở hoặc điều trị bằng Iol phóng xạ (tùy từng người bệnh). Sau điều trị, người bệnh tiếp tục được theo dõi định kỳ để kiểm soát tình trạng suy giáp và phát hiện sớm khi có dấu hiệu tái phát bệnh”.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Việt-Tiệp, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, bệnh viện thực hiện phẫu thuật từ 15 đến 20 ca UTTG, cùng với khoảng 200-300 ca bướu giáp lành tính cho kết quả điều trị tốt. Hiện, bệnh viện ứng dụng kỹ thuật mới là nội soi cắt tuyến giáp bằng đường miệng- được coi là bước đột phá trong phẫu thuật tuyến giáp - đây là một kỹ thuật mới, rất ưu việt trong phẫu thuật tuyến giáp. Kết quả nghiên cứu và triển khai thực tế kỹ thuật này cho thấy, đây là phương pháp an toàn về mặt ung thư học (khả năng vét hạch và cắt trọn khối u tương đương mổ mở); khả năng hồi phục sớm và ít đau; cảm giác khó nuốt và nuốt vướng ít hơn mổ mở; người bệnh được bảo tồn hoàn toàn cơ bám da cổ; tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo.