Vận động tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn: Gỡ rào cản, tạo điều kiện cho người dân (Kỳ 1)
(HPĐT)- Là yêu cầu tất yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, tính đến đầu tháng 8-2024, diện tích tích tụ ruộng đất trên địa bàn thành phố đạt 2.256 ha. Tại các địa phương, xuất hiện nhiều mô hình tích tụ ruộng đất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, chung quanh việc tích tụ ruộng đất còn một số rào cản, cần những giải pháp tháo gỡ kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp, nông dân tích cực tham gia, đưa nông nghiệp Hải Phòng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ, là việc phát huy cao vai trò của chính quyền cơ sở và công tác tuyên truyền, vận động, dân vận khéo trong quá trình thực hiện.

Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Châu Giang tích tụ ruộng đất ở xã Đông Sơn (Thủy Nguyên) để trồng hoa ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: HẢI AN
Kỳ 1: Đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn
Là thành phố đô thị công nghiệp - cảng biển, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn có tỷ trọng nhất định trong cơ cấu kinh tế Hải Phòng (năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 3,4%), với đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 50% tổng diện tích đất dành cho các ngành sản xuất. Với đặc thù trên, nông nghiệp Hải Phòng cần đẩy mạnh phát triển theo hướng khắc phục dần hình thái sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao hơn từ việc tích tụ ruộng đất.
Đa dạng mô hình tích tụ ruộng đất
Trang trại tổng hợp thuộc HTX nông nghiệp thủy sản Hiếu Minh của anh Phạm Trung Hiếu ở xã Mỹ Đức (huyện An Lão) hoạt động ổn định theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, theo hợp đồng thuê đất được ký kết có thời hạn 5 năm. Trên diện tích đất thuê, anh cải tạo thành vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt. Chỉ sau thời gian ngắn cải tạo, vùng đất công ích của địa phương trước đây chỉ có năn, lác mọc đầy giờ trở thành trang trại trù phú. Mới đây, anh Hiếu tiếp tục mua thêm ruộng của một số nông dân địa phương để trồng rau sạch, nuôi dê và cá nước ngọt theo hướng hữu cơ... Anh cho biết, nông sản sạch thu hoạch từ trang trại hiện được người tiêu dùng chuộng mua, bán được giá hơn. Việc tích tụ ruộng đất mở rộng sản xuất nông nghiệp thực sự là hướng phát triển kinh tế ổn định, đem lại thu nhập cao với anh Hiếu.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu sử dụng nông sản an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của người tiêu dùng, nhiều tổ chức, cá nhân thuê hoặc mua đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất lớn theo hướng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh mua đất nông nghiệp của nông dân, việc thuê đất chủ yếu là ký hợp đồng với các địa phương có đất công ích. HTX nông nghiệp hoa Mây Xanh là đơn vị điển hình ở huyện An Dương trong việc đi đầu tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để trồng hoa và cây ăn quả. Giám đốc HTX Phạm Văn Xanh cho biết, năm 2019 HTX mua được 1,5 ha ở xã Tân Tiến để trồng các loại hoa như hướng dương, lay ơn, huệ, cúc… Hằng năm, HTX thuê thêm ruộng bỏ hoang của nông dân để tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất; đến tháng 8-2024 tích tụ được tổng cộng 15 ha. Cây trồng cũng được mở rộng, ngoài hoa, HTX trồng thêm lúa và cây ăn quả. Năm 2024, HTX có kế hoạch trồng nho sữa sạch; phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kết hợp với du lịch trải nghiệm cho học sinh, sinh viên…
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít nông dân có đất nông nghiệp nhưng không canh tác. Tại một số huyện ven đô như Kiến Thụy, An Lão, An Dương là cửa ngõ của thành phố với tốc độ đô thị hóa nhanh, có thời điểm diện tích ruộng bỏ hoang khá lớn. Như huyện An Lão, từ năm 2021 trở về trước, diện tích ruộng bỏ hoang có lúc lên đến gần 500 ha. Từ thực tế này, nhiều tổ chức, cá nhân thu gom ruộng bỏ hoang, tích tụ nhiều thửa nhỏ thành vùng lớn để cải tạo, sản xuất tập trung. Nhờ vậy, đến vụ xuân 2024, các tổ chức, cá nhân tích tụ, đưa vào sản xuất trở lại hơn 200 ha. Nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẹt, đất công ích của địa phương được người dân thuê hoặc mua để sản xuất.
Nhiều địa phương khác cũng thu hút các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư thu gom ruộng bỏ hoang thành vùng sản xuất lớn, sản phẩm cho giá trị kinh tế cao. Như anh Trần Mạnh Hùng được nhiều người ở huyện Vĩnh Bảo khen về tài thu gom ruộng bỏ hoang, tổ chức sản xuất hiệu quả. Từ lúc đầu gom được vài ha ở xã Trấn Dương, đến nay anh có gần 50 ha đất nông nghiệp tại nhiều xã trên địa bàn huyện. Tại các vùng ruộng tích tụ được, từ vụ xuân năm 2023 đến nay, anh phối hợp Công ty TNHH An Đình để cấy giống lúa DS1, xuất khẩu sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, anh Hùng còn cấy nhiều giống lúa chất lượng cao khác như nếp Mỹ, Đài Thơm... Mỗi vụ sản xuất, anh bán hết thóc tươi ngay tại ruộng cho doanh nghiệp, thương lái, thu lợi nhuận 400-500 triệu đồng/vụ.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, tính đến vụ Xuân năm 2024, trên toàn thành phố có 189 “đại điền” tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 2.256 ha. Trong đó chủ yếu là canh tác lúa với 141 tổ chức, cá nhân tích tụ 2.038,7 ha; 17 tổ chức, cá nhân tích tụ 87,3 ha trồng cây ăn quả; 7 tổ chức, cá nhân tích tụ đất trồng cây kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với diện tích 87,3 ha; 10 tổ chức, cá nhân tích tụ đất trồng hoa với diện tích 50 ha...

Mô hình tích tụ ruộng đất của anh Trần Mạnh Hùng, ở xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo), sản xuất lúa chất lượng cao, cho hiệu quả kinh tế tốt. Ảnh: HƯƠNG AN
Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả
Nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX tích tụ ruộng đất để sản xuất, ở nhiều địa phương, các cấp chính quyền, đoàn thể tích cực vận động, tuyên truyền, xây dựng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, học hỏi kinh nghiệm tốt nhằm nhân rộng. Trong đó, một số cá nhân là bí thư chi bộ, trưởng thôn, hội viên Hội Nông dân, đoàn viên thanh niên đi đầu thưc hiê ̣ n mô hi ̣ nh tích t ̀ ụ ruộng đất đem lại hiệu quả kinh tê cao, t ́ ạo nhiêu vi ̀ ệc làm được UBND thành phố tăng b ̣ ăng khen. Tiêu biê ̀ ủ như ông Hoàng Văn Viên, Phó bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trực Trang, xã Bát Trang (huyện An Lão) với mô hinh “V ̀ ận động tích tụ ruộng đất trồng thanh long theo hướng hữu cơ”; anh Vũ Văn Quân, Phó bí thư chi đoàn thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy) với mô hình “Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình VAC”; ông Trần Tăng Dũng, hội viên nông dân xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Bảo) với mô hình "vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng sản xuất tập trung"...
Hiệu quả thực tế của những mô hình tiêu biểu cổ vũ nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư vốn, máy móc, nhân lực để tích tụ ruộng đất, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến kinh doanh nông sản. HTX nông nghiệp Thụy Hương ở xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) là một hình mẫu với hơn 200 ha ruộng đất, sản xuất theo hướng liên kết bền vững với nông dân. Trên diện tích tích tụ được, HTX đầu tư máy móc hiện đại như máy cày, máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, máy gặt đập… phục vụ canh tác. HTX còn đầu tư hệ thống máy chế biến và sấy gạo hiện đại với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX chủ yếu là nông sản sạch như các loại gạo chất lượng cao, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… Đơn vị thường xuyên đón đoàn của nhiều địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Phong trào tích tụ ruộng đất được nhiều địa phương tích cực xây dựng thành các mô hình “dân vận khéo”, tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức sinh động trên trang thông tin hệ thống dân vận, các nền tảng mạng xã hội như zalo, faceboook, fanpage, hệ thống phát thanh của các thôn, xã… Một số địa phương tổ chức tọa đàm, trao đổi, chia sẻ các mô hình hay, cách làm hiệu quả để vận động nhân dân tích tụ ruộng đất sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vào các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Theo rà soát của Ban Dân vận Thành ủy, tính đến giữa năm 2024, toàn thành phố có 29 mô hình “dân vận khéo” ở các huyện về vận động tích tụ ruộng đất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Là điển hình trong việc vận động tích tụ ruộng đất, huyện An Lão kịp thời tháo gỡ vướng mắc, có giải pháp khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất. Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy An Lão Nguyễn Văn Quang cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, trong số 38 mô hình “dân vận khéo” được các địa phương, đơn vị đăng ký thực hiện, có 5 mô hình về tích tụ ruộng đất bỏ hoang đưa vào sản xuất trở lại. Ở nhiều địa bàn, chi bộ thôn và các đảng viên phát huy tốt vai trò vận động, tuyên truyền trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình dân vận khéo về thu gom ruộng bỏ hoang để sản xuất.
Kỳ 2: Khó khăn, vướng mắc từ nhiều phía