Âm nhạc đương đại - cầu nối cảm xúc trên sân khấu kịch
(HPĐT)- Nhạc pop đương đại dần trở thành “gia vị” điểm xuyết được ưa chuộng trên sân khấu kịch quốc tế. Sự kết hợp giữa âm nhạc và kịch nghệ vốn tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng cho nhạc kịch, dùng nhạc pop hiện đại minh họa cho các câu chuyện trải dài không gian, thời gian thì càng độc đáo hơn nữa.
Bản hòa tấu “vừa cũ vừa mới”
Người hâm mộ ban nhạc rock Radiohead hào hứng trước thông tin ca sĩ chính của nhóm Thom Yorke sẽ đưa album “Hail to the thief” vào vở kịch “Hamlet” chuẩn bị được giới thiệu vào mùa xuân năm sau trên sân khấu kịch của nước Anh. Theo Yorke, dự án này không chỉ thổi làn gió mới vào vở diễn “Hamlet” nổi tiếng của đại văn hào William Shakespeare, mà còn là cách để nghệ sĩ này thử nghiệm, “chơi đùa” với cách âm nhạc thế kỷ 21 giao thoa cùng kịch nghệ trong câu chuyện hơn 400 năm tuổi.
Đây cũng là mục tiêu của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khi bước chân vào sân khấu kịch. Còn nhớ phản ứng thích thú của đông đảo người xem khi loạt phim “Bridgerton” “làm mưa làm gió” trên Netflix từ năm 2020 sử dụng những ca khúc pop rất mới được phối lại theo phong cách thính phòng để làm nhạc nền. Nhưng trước “Bridgerton”, sân khấu kịch có những bản nhạc rap và hip-hop đầy hiện đại được sáng tác mới cho vở kịch "Hamilton" đậm chất lịch sử của Lin-Manuel Miranda, nhưng cũng có những vở kịch khác tận dụng nhạc pop có sẵn để làm chất liệu kể chuyện. “Moulin Rogue! The musical” từng gây xôn xao khi vang lên những bản “hit” như “Material Girl” của Madonna, “Diamonds are a girl’s bestfriend” của Carol Channing và nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ pop nổi tiếng như Adele, Britney Spears, Tina Turner… Gần đây, vở “& Juliet” đưa chuyện tình ngang trái của “Romeo & Juliet” lên sân khấu Broadway với màu sắc hiện đại trong cách dàn dựng, trang phục và nhất là âm nhạc từ nhà sản xuất nhạc pop huyền thoại Max Martin.
Hướng đi mới của nhạc kịch
Nhạc pop đương đại khi được xử lý khéo léo không chỉ tạo ra không gian âm nhạc hiện đại mà còn giúp người xem dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử và các nhân vật trong vở kịch. Nhạc pop với sự phổ biến có khả năng kết nối mạnh mẽ với người xem. Những giai điệu quen thuộc, những ca từ gần gũi thường gợi nhớ đến những kỷ niệm và cảm xúc của người nghe. Khi được sử dụng trong các vở kịch, nhạc pop không chỉ đơn thuần là phần âm thanh nền mà trở thành phần quan trọng trong xây dựng nhân vật và phát triển cốt truyện. Như vở kịch “Dear Evan Hansen”, nơi nhạc pop không chỉ là phương tiện giải trí, mà còn là công cụ để khám phá các chủ đề phức tạp như sự cô đơn, áp lực xã hội và tìm kiếm bản thân.
Bên cạnh đó, nhạc pop có thể góp phần thu hút người xem trẻ tuổi, những người có thể không thường xuyên đến với sân khấu kịch. Theo thống kê mới đây của trang Ticketmaster, trong số những người có mong muốn thường xuyên đi xem kịch, có đến 87% số người trong độ tuổi từ 16 đến 19 tuổi; tỷ lệ người trẻ chọn đến sân khấu kịch cao hơn các buổi biểu diễn âm nhạc hay sự kiện thể thao. Rõ ràng, đưa nhạc pop vào trong các vở kịch giúp nghệ thuật sân khấu trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ. Điều này không chỉ giúp nâng cao doanh thu cho các nhà hát, mà còn tạo ra môi trường nghệ thuật đa dạng và phong phú hơn.
Tuy nhiên, sử dụng nhạc pop cũng đặt ra nhiều tranh luận về vai trò của âm nhạc trên sân khấu kịch. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự cân bằng giữa âm nhạc và diễn xuất. Nếu không được thực hiện khéo léo, nhạc pop trở nên quá nổi bật có thể khiến người xem chú ý hơn đến giai điệu và lời bài hát, thay vì cảm nhận được cảm xúc và thông điệp mà các nhân vật truyền tải. Cuộc bàn luận thú vị vẫn tiếp tục diễn ra cùng sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn. Sự kết hợp độc đáo của âm nhạc đương đại với sân khấu kịch còn nhiều thời gian để chứng minh hiệu quả trong truyền tải thông điệp nghệ thuật.