Đọc thơ Nguyễn Ánh Nguyệt
(HPĐT)- Nguyễn Ánh Nguyệt (Ánh Nguyệt, Hải Quỳnh) có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng. Chị ra sách riêng, từng đoạt giải trong một số cuộc thi thơ của Hải Phòng. Ánh Nguyệt viết đều tay, thể hiện cốt cách và nét duyên riêng ở cả truyện, tản văn, ở những công trình khảo cứu văn hóa dân gian, nhất là thơ.
Dù quê gốc không phải Hải Phòng, nhưng thơ của chị trước hết thể hiện tình yêu đắm say, nồng đượm và niềm tự hào với đất Cảng. Chị yêu theo cách của người đến sau trầm tĩnh nghĩ suy, thụ hưởng, nhưng khám phá - sáng tạo, để có thêm nhiều kỷ niệm gắn bó máu thịt với Hải Phòng: “Tuổi trẻ của tôi trải dài theo vùng phên dậu/ Lấy chồng rồi mới trở lại quê hương/ Chỉ nghe tiếng Hải Phòng thôi đã thấy thân thương/ Nhớ từng hàng cây, con đường, góc phố…/ Có còn không dòng Tam Bạc cổ/ Nơi xưa kia trên bến dưới thuyền” (Viết trong ngày 13-5). Quá khứ cần lao, nghèo khổ và mất mát hy sinh- của xóm nghèo Lạc Viên, ngõ Ao Than bạc màu áo thợ, “nơi Nguyên Hồng vắt kiệt mình viết từng trang “Bỉ vỏ”, nơi “cha tôi là thợ thuyền, mẹ quần quật gánh hàng rong”, nơi “bà tôi mất cậu tôi- người con trai duy nhất” để cho máu và hoa làm nên ngày chiến thắng- đã luôn là mối dây tâm tưởng trong thơ Ánh Nguyệt; liên hệ chặt chẽ với “Hải Phòng bây giờ hiện đại, khang trang/ Kinh tế đi lên, sắp có thành phố trong thành phố/ Nhiều cao ốc vừa xây/ Bao con đường mới mở/ Cho hôm nay và cho cả mai sau”.
Đó là tấm lòng người biết tri ân trước những mất mát hy sinh, “lao tâm khổ tứ” của bao thế hệ, để làm nên Hải Phòng cất cánh bay lên. Nhờ thế mà tình yêu Hải Phòng trong thơ Ánh Nguyệt có chiều sâu và bền chặt. Nhờ thế, chị tự hào về Hải Phòng, cũng có nét duyên riêng. Bao giờ cũng có sự gắn kết nỗi niềm riêng- chung. Chị dịu ngọt gọi mời “Về với em đi anh/ Hải Phòng chiều nay lộng gió… Về với em đi anh/ Phượng đã nở đỏ rồi/ Phượng cháy bỏng như tình yêu, nỗi nhớ/ Màu của phượng thắm vào em, vào hơi thở/ Như nỗi lòng em ngóng anh” (Về với Hải Phòng).
Đó là Ánh Nguyệt với đề tài xã hội, trong tư cách công dân. Nhưng dường như Ánh Nguyệt thật là mình, đầy bản sắc và bản lĩnh khi viết về đề tài gia đình, với vô vàn tình huống, tâm trạng của cái tôi nội cảm, đầy trăn trở ưu tư, mà hồn hậu nhân đạo và nhân văn. Ở đây, cái tôi trữ tình, dường như nếm trải đủ mùi đa đoan. Nhưng người đàn bà ấy vẫn ngời lên khát vọng yêu thương. Thơ Ánh Nguyệt có tư cách của người vợ, người mẹ, người con... Song ở đâu, bao giờ và trong tư cách nào cũng nhận ra chị như “sóng vỗ… ru bờ đá” ào ạt, dữ dội mà tan chảy, xói mòn: “này lửa đốt phập phồng ngực trẻ/ em cháy đến tận cùng như thể/ trái tim em khao khát dâng người” (Thị Màu).
Ánh Nguyệt thấy “Hình như tình yêu không có tuổi/ Sự nhung nhớ nào cũng da diết như nhau” (Chênh chao). Mỗi lần chia ly đổ vỡ là mỗi lần như “vết xước cứa vào tim”. Có khi phải nói “Lời yêu” đến là tội nghiệp: “Thôi anh đừng nói lời yêu/ Trái tim em đã chịu nhiều bão giông”. Nhưng rồi lại âu lo và thổn thức khắc khoải “Biết có còn nước mắt khóc cho người chưa quen”. Dường như thiếu điều gì, người ta thường cảm nghĩ về điều đó và nói rất hay. Con tim mẫn cảm của Ánh Nguyệt cứ như cây “Mẫu đơn đỏ”, “sau mưa… bừng lên sắc đỏ/Những cánh hoa mong manh gửi vào trong gió/ Nỗi niềm của người đang yêu”. Dù biết rằng “Trái tim bao lần rỉ máu/ Ngàn đời đau đến khôn nguôi” (Nghĩ về Thủy Tinh), nhưng chỉ có khi yêu, người ta mới sống trọn vẹn cuộc đời. Và chính chị cũng nói lên một điều giản dị như chân lý “Có yêu thương mới sống đời bền lâu” (Mẹ chồng tôi).
Ánh Nguyệt không phải là người đầu tiên viết về cảnh “rổ rá cạp lại”, “chồng chị chồng em”. Nhưng chị như hóa thân vào nhân vật trữ tình trong bài thơ “Gửi người đến trước” dứt ruột mình ra mà dệt nên vần điệu: “Em đến sau phận mỏng cánh chuồn/ Thứ phần em là thứ của người xưa bỏ sót/ Người xưa lấy đi hạt già hạt chắc/ Rớt đáy sàng, hạt nhàu, hạt lép phần em”. Duyên tình của “chị” trước đó và “em” bây giờ, ai biết ai yêu người chồng đó hơn ai “Chị dành cho anh những khát khao tuổi trẻ/ Em dành cho anh chua ngọt tuổi xế chiều”. Nhưng “em biết chị là người nuối tiếc”, chút sân hận khiến “chị” làm khổ mình và lụy cả đến “em”. Lời khuyên cuối bài đầy vị tha và hồn hậu, khiến bài thơ có sắc thái riêng, so với những tác phẩm cùng đề tài: “Dũng cảm bỏ buông… Những cái đã qua đừng cay đắng nữa /Sống cho mình để sống nhẹ nhàng hơn”.
Thơ Nguyễn Ánh Nguyệt là thế. Ở đề tài nào cũng nồng nhiệt đắm say bởi tình yêu, nhưng chất chứa ưu tư, có cá tính và bản lĩnh rất trân quý.