Những dặm trường bỗng hóa thơ ca

09:04 SA 29/03/2025

(HPĐT)- Sau thời gian nghỉ ngơi, cuối năm 2024, nhà thơ Vũ Trọng Thái (hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng) xuất bản liên tiếp 3 tập thơ gồm: “Nắng”, “Bản tháng ca bay trên đầu họng súng” và “Đi tìm mùa hoa mạ”, với đa dạng chủ đề, từ những vần thơ dành cho người lính tới những câu thơ ca ngợi những "chiến sĩ áo trắng", người giáo viên hay những xúc cảm trên từng cung đường mà ông đã đi qua.

 

Nhà thơ Vũ Trọng Thái.

 

Rung cảm trên mỗi chặng đường

Ở trong 3 tập thơ của ông, bạn đọc dễ dàng cảm nhận được tâm hồn đa cảm, dễ rung động, xúc cảm và ngòi bút linh hoạt của ông. Đó có thể là những phút giây rung động trong chuyến thăm thú, khám phá đất và người vùng Tây Bắc trong các sáng tác ở tập thơ “Đi tìm mùa hoa Mạ”: Một lần lên phố núi/ Ngắm sao trời mênh mang/ Thầm hỏi Noọng có biết/ Mùa hoa Mạ đấy chăng?/ Hoa Mạ ơi hoa Mạ/ Em đang ở nơi nao/ Pác Nặm hay Ba Bể/ Mà hương bay ngạt ngào? (Mùa hoa Mạ). Hay: Lên Ngân Sơn, ngắm mây vờn sóng núi/ Đèo Gió như dải lụa vắt ngang trời/ Đào, mận, lê bám sườn non thức dậy/ Đất chuyển mình, gọi mùa sinh sôi. (Lên Ngân Sơn).

Trên mỗi bước đường, ông gặp những con người bình dị và bằng sự quan sát tinh tế, thấu cảm, ông nhìn thấy những vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu trong con người họ. Đó là, hình ảnh nữ chủ tịch xã với những trăn trở, hết lòng chăm lo cho đời sống người dân vùng núi phía bắc: Đêm bản Chang bập bùng ánh lửa/Xua tan đi cái lạnh đầu đồng đông/ Tôi lặng nghe bên em kể chuyện/ Trên mặt hồ sương bắt đầu giăng/ Chuyện ngày đầu làm Chủ tịch xã/ Bao âu lo trước những việc cần lo/ Phải làm gì cho người dân bớt khổ/ Cấy lúa, làm nương/ ngăn đập, đắp bờ (Chuyện của em). Hay hình ảnh cô y tá Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Ngô Quyền) thao thức chăm lo cho người bệnh trong ca trực ban đêm: Đêm tĩnh lặng, không một thanh âm/ Ánh đèn khuya cô đơn sân bệnh viện/ Cây sấu già rùng mình trong gió lạnh/ Thời gian trôi chậm hơn thường ngày/ Cô bác sĩ nhẹ chân từng buồng bệnh/ Như lắng nghe hơi thở của mỗi người/ Ca trực đêm đã thành thường lệ/ Có phút nào mệt mỏi đêm chơi vơi? (Thao thức cùng em). Cũng là lẽ thường tình khi nam thi sĩ có chút ưu ái với những nhân vật nữ mà ông từng gặp. Người phụ nữ bình thường đi vào thơ của nhà thơ Vũ Trọng Thái cũng đầy nữ tính với sự dịu dàng, lo toan, vun vén cho con cái và hạnh phúc gia đình: Em cứ bảo mình con gái Hà Đông/ Vậy mà việc tầm tang chẳng hề biết/ Chịu khó làm “ôsin”, chồng yêu, không “ghét”/ Ngày mỗi ngày hai buổi đưa con. (Gửi em gái).

 

Nặng lòng với người lính

Trong số 3 tập thơ mới xuất bản, nhà thơ Vũ Trọng Thái dành nguyên một tập thơ để viết về người lính, với tên gọi “Bản thánh ca bay trên đầu họng súng”. Nhà thơ Vũ Trọng Thái bộc bạch: Ông có nhiều chuyến đi tới biên giới hay đảo xa, những câu chuyện, hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" với những hành động, việc làm cao đẹp đã khơi gợi trong ông niềm tin yêu, khiến ông ấp ủ sáng tạo tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính. Và tập thơ “Bản thánh ca bay trên đầu họng súng” được ông sáng tác để kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2024), với 80 bài thơ trùng với con số 80 năm của sự kiện. Đọc tập thơ, bạn đọc có thể thấy hình bóng đại tướng Võ Nguyên Giáp, người "anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam, những địa danh như Hà Nội, Hải Phòng, sông Tam Bạc, bãi cọc Cao Quỳ hay mảnh đất xứ Lạng, con đường Trường Sơn…, với những trận đánh oai hùng của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước.

Đó còn là phút giây rưng rưng của tác giả khi nhớ về thời khắc lịch sử ngày 16-4-1972, Mỹ cho B-52 rải thảm bom xuống Hải Phòng. Tờ lịch ngày tháng ấy nặng tay người xé/ Còn nhiều hơn thế/ Nhắc chúng ta đừng quên/ Ngày giỗ chung của bao người vô tội/ Khi trong một đêm tối/ B52 rải thảm Hải Phòng (Tờ lịch). Hay như phút giây nghẹn ngào nhớ về những người lính hy sinh nơi mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) năm nào: Về đi đồng đội ơi/ Còn bao mộ đá lưng trời biên cương/ Khi sống bám trụ kiên cường/ Chết tan vào đất quê hương một màu/ Tiếng thơ đan lẫn niềm đau/ Về đi bạn hỡi, nơi đâu bạn nằm? (Gọi bạn).

Qua những sáng tác của mình, nhà thơ Vũ Trọng Thái trải lòng trên từng trang viết một cách thành thật nhất. Và chính sự chân thành, mộc mạc ấy khiến thơ của ông mềm mại và dễ đi vào lòng người hơn.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập