Tái dựng vở diễn nổi tiếng trên sân khấu: Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
(HPĐT)- Năm 2024, nhiều vở diễn “ăn khách” được trình diễn trên sân khấu Hải Phòng. Bên cạnh giữ nguyên vẹn giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm, các vở diễn còn được khai thác dưới góc nhìn đương đại nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến công chúng…
Nét mới trong tái dựng
“Lâu đài cát” - vở kịch “ăn khách” và giành nhiều giải thưởng của TS Nguyễn Đăng Chương vừa được Đoàn Kịch nói Hải Phòng dàn dựng, trình diễn trong Sân khấu truyền hình tháng 10-2024. Câu chuyện thu hút người xem bởi các tình huống kịch tính đan cài, nối tiếp nhau lần lượt bóc trần “mặt nạ” của các thành viên trong gia đình “tứ đại đồng đường”, làm bộc lộ một cuộc sống hoàn toàn trái ngược với vỏ bọc hoàn hảo của gia đình “danh giá”. Qua tài năng của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng, vở “Lâu đài cát” được xử lý khéo léo, hết sức tinh tế và nhân văn khi chọn cách giải quyết “thấu tình đạt lý” từ góc nhìn của những người trẻ tuổi để mở lòng tha thứ, khoan dung và độ lượng.
Theo đạo diễn, NSƯT Kiều Minh Hiếu, để “làm mới” tác phẩm, vở diễn được thiết kế mỹ thuật với những ý tưởng mới mẻ gợi nên những gam màu sắc thời gian bình dị, xưa cũ, thanh khiết, nhất là hình ảnh mái nhà cổ kính đang nghiêng vẹo, xô lệch, thấp thoáng cho người xem thấy có gì đó sắp sụp đổ nếu như ta không nhận ra để bồi đắp, chăm chút, nâng niu trân trọng. Phần âm nhạc trong vở diễn được pha lẫn giữa hiện đại và hoài cổ, có sự dữ dội cảnh báo mơ hồ về tan vỡ mất mát nhưng cũng có sự mạnh mẽ khẳng định mình của lớp thanh niên trẻ, dù có chuyện gì xảy ra thì những người trẻ cũng sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông để bước tiếp với thông điệp “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”… “Đến nay, công tác tập luyện vở diễn đạt 80% khối lượng công việc và mặc dù còn khó khăn nhưng cả ekip luôn cố gắng để kịp kế hoạch tiến độ.
Trước đó, khi vở diễn vừa chuẩn bị dàn dựng, đạo diễn đã dành 10 ngày để diễn viên nắm rõ đặc điểm, tính cách nhân vật, thuộc kịch bản để giáp nối cho tốt…”, NSƯT Kiều Minh Hiếu cho hay. Trước đó, Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng cũng tái dựng vở rối “Trê Cóc tranh con” sau hơn 20 năm vắng bóng. Từng đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Múa rối toàn quốc năm 2003, vở diễn được tái dựng khi sử dụng nhiều thể loại múa rối, như: rối nước, rối cạn, rối dây với tạo hình sinh động, hấp dẫn kết hợp với hệ thống âm thanh, ánh sáng và sân khấu kỳ ảo. Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Vở diễn như bản hòa ca đầy màu sắc, mang tới công chúng trải nghiệm nghệ thuật đầy lôi cuốn, đồng thời truyền tải thông điệp cái gì không phải của mình thì không nhận, làm việc xấu sẽ nhận hậu quả không tốt…
Mang lại sinh khí mới cho sân khấu
Dựng lại những kịch bản xưa, không chỉ người xem mà chính bản thân nghệ sĩ và giới sân khấu cũng thấy rõ còn những “khoảng trống”. Các vở “ăn khách” đều có đất diễn rộng để có thể phản ánh những vấn đề thời sự, phê phán những hành vi tiêu cực, tạo hiệu ứng mạnh đối với người xem. Những câu chuyện tuy cũ nhưng vẫn giữ được những giá trị tư tưởng mà các nhà viết kịch gửi gắm. Có vở tuổi thọ đã hơn 10, 15 năm, nên cách diễn đòi hỏi phải đáp ứng được thông điệp của thời đại, giữ được sức sống và lôi cuốn được công chúng, nhất là với giới trẻ. Vào vai Huyền, cô gái trẻ bị cuốn vào mối quan hệ phức tạp, trái khoáy giữa ông Bộ và con trai là Thiên trong “Lâu đài cát”, nữ nghệ sĩ Mai Duyên cho biết, chị nỗ lực hết mình để chinh phục vai diễn, thể hiện chiều sâu tâm lý nhân vật. Còn vào vai ông Quân, người ông trong “gia đình danh giá” này, NSƯT Quang Thiện bộc bạch: bên cạnh tìm kiếm phong cách của một vị giáo sư, người ông trong gia đình gia giáo, anh còn phải thể hiện sâu sắc hơn nội tâm khi chứng kiến truyền thống gia đình hàng trăm năm bỗng chốc sụp đổ như lâu đài trên cát…
Theo kinh nghiệm của những người đứng đầu các đoàn nghệ thuật, sự tái xuất phiên bản mới của những vở kịch cũ phần nào mang lại sinh khí mới vì qua thời gian sàng lọc, sân khấu đã có thêm những lớp công chúng mới. Ngay cả những người từng xem những vở diễn này trên sân khấu của Hà Nội và các địa phương khác cũng hồ hởi đón nhận vở tái dựng để trải nghiệm những cách dàn dựng cũng như những thông điệp mới. Trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu bày tỏ, hai năm trở lại đây, Đoàn không chỉ tìm đến những kịch bản kinh điển thế giới, mà còn chọn dựng lại các vở đã thành công trong quá khứ, như các vở “Đợi đến mùa Xuân” của tác giả Xuân Trình, mới đây nhất là “Lâu đài cát” (hay “Mặt nạ người”) của TS Nguyễn Đăng Chương... Bên cạnh việc duy trì chất lượng vở diễn của sân khấu kịch, đội ngũ diễn viên của Đoàn có thêm cơ hội để thăng hoa cảm xúc cùng ekip sáng tạo và các nghệ sĩ đến từ thủ đô Hà Nội; đồng thời đội ngũ tác giả trẻ, các nhà biên kịch cũng được xem để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm cách làm nên chất xúc tác mới cho từng câu chuyện kịch…