Về Điện Biên hôm nay…
Từ chân tượng đài Chiến thắng nằm trên đồi D1, phóng tầm mắt ra xa, lòng chảo Điện Biên - nơi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” hơn 60 năm trước, giờ đang hồi sinh, khoác màu xanh áo mới.
Noi gương những người anh hùng
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố do đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm trưởng đoàn đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Điện Biên, gồm 3 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia của tỉnh. So với các nghĩa trang Him Lam, Độc Lập, nghĩa trang Đồi A1 lớn và hoành tráng nhất. Nghĩa trang được xây dựng năm 1958, tượng đài được xây theo cấu trúc hình dáng chữ A với 664 cánh hoa, tượng trưng cho 664 anh linh liệt sĩ. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can.
Đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố do đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm trưởng đoàn viếng nghĩa trang Đồi A1. |
Tính từ đầu bảng vàng ghi danh đặt tại Nghĩa trang Đồi A1, Hải Phòng là địa phương thứ hai sau Hà Nội, với 213 liệt sĩ trên tổng số 5.471 liệt sĩ đang yên nghỉ tại cả 3 nghĩa trang. Kính cẩn nghiêng mình trước bảng vàng ghi tên các anh, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình xúc động: “Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng nguyện xây dựng thành phố, góp phần xây dựng đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ”.
Tại nghĩa trang tỉnh Điện Biên, phần lớn các ngôi mộ đều chưa có tên. Phó trưởng Phòng Chính sách người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên Phạm Hoài Nam cho biết, tại Đồi A1, hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Máu của các anh thấm từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đồi. Khi trùng tu, tôn tạo đồi thành di tích lịch sử, tìm thấy những ngôi mộ tập thể với hơn 20 bộ hài cốt, không thể xác định được tên tuổi các anh. “Mặt khác, nhiều liệt sĩ hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt, chưa xác định tên tuổi, đơn vị, quê quán nên trên bảng vàng ghi danh của các tỉnh, thành phố phải để trống, chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật hằng năm”.
Lặng lẽ thắp nén hương lên phần mộ liệt sĩ vô danh tại nghĩa trang Độc Lập, đại tá Hà Đức Sinh, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố rưng rưng: “Hôm nay tôi thay mặt lực lượng vũ trang thành phố trở lại chiến trường xưa để thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Các đơn vị lực lượng vũ trang thành phố nguyện noi gương các anh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ sự bình yên cho thành phố, đất nước”.
Đổi mới hôm nay trên chiến trường xưa
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất Điện Biên hôm nay- trung tâm của lễ hội hoa ban, phủ màu xanh bạt ngàn của loài cây biểu trưng các dân tộc Tây Bắc. Cuộc sống người dân nơi đây bước đầu sung túc và đủ đầy hơn.
Không chỉ chăm lo phát triển nông, lâm nghiệp, buôn bán, người Điện Biên còn biết cách làm du lịch từ các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Bảo tàng tỉnh Điện Biên- nơi thể hiện toàn bộ câu chuyện về 56 ngày đêm “mưa dầm, cơm vắt” cho chiến thắng chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc với các hình ảnh tư liệu, hiện vật, sa hình mô phỏng sống động, mỗi năm đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích như tượng đài Chiến thắng - tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay, với hình tượng 3 anh bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”; di tích đồi A1… trở thành điểm đến thường xuyên của du khách trong và ngoài nước mỗi khi lên thăm Điện Biên. Hầm Đờ - Cát-tơ-ri- “bộ não” chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với chiều dài 20m, chiều rộng 8m với 4 gian dành cho cả nơi ở và nơi làm việc được giữ nguyên dạng. Ngoài khách sạn Mường Thanh to đẹp nhất thành phố, nhiều khách sạn, nhà hàng cũng mọc lên san sát, đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của du khách.
Như bao cô gái người Thái, Mường, Khơ Mú, Phù Lá, Hà Nhì, Si La, Lô Lô…ở quê hương Điện Biên, Lò Thị Thích, sinh năm 1999, ở bản Ten, dân tộc Thái đen, có nụ cười tỏa nắng. Cô cho biết: “Ngày nhỏ bên bếp lửa, em thường được nghe ông kể chuyện về những người anh hùng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Lớn lên, được học lịch sử, hiểu toàn diện về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, em càng thêm yêu quý và tự hào về mảnh đất mình sinh ra. Là thế hệ trẻ ở Điện Biên, em nguyện hết lòng phấn đấu trong học tập, công việc, phát huy truyền thống anh hùng của cha ông, xây dựng quê hương to đẹp hơn, giàu mạnh hơn”.
Bài và ảnh: Đông Hải