World Cup nữ 2023 Australia – New Zealand: Cơ hội lịch sử đối với bóng đá nữ Việt Nam

03:52 CH 15/08/2021

 

 

Tuyển nữ Việt Nam tập trung.  

 

(HPĐT)- Hai lần “lỡ đò” giành vé dự vòng chung kết (VCK) World Cup bóng đá nữ ở đúng thời khắc quan trọng là bài học lớn đối với bóng đá nữ Việt Nam. Thế nên lần này, cơ hội lịch sử để bóng đá Việt Nam “làm nên chuyện” đang đến thật gần, đòi hỏi đội phải có bước chuẩn bị thật tốt để kịp thời nắm bắt.

28 đội dự vòng loại

Giải vô địch bóng đá nữ châu Á (Asian Cup nữ) 2022 tổ chức tại Ấn Độ từ 20-1 đến 6-2-2022 không chỉ nhằm tìm ra nhà vô địch châu Á, mà còn là vòng loại World Cup nữ 2023 Australia – New Zealand. VCK Asian Cup 2022 tại Ấn Độ sẽ có 12 đội tuyển nữ tham dự, trong đó 4 đội được vào thẳng gồm: đương kim vô địch Asian Cup 2018 Nhật Bản, á quân Australia và hạng ba Trung Quốc cùng chủ nhà Ấn Độ. Các đội nữ châu Á còn lại sẽ thi đấu vòng loại để chọn ra 8 đội dự VCK tại Ấn Độ.

Vòng loại Asian Cup 2022 có 28 đội tuyển nữ, được phân loại hạt giống dựa trên thành tích tại Asian Cup 2018. Các đội được chia vào 8 bảng với 4 bảng 4 đội và 4 bảng 3 đội, thi đấu vòng tròn tính điểm xếp hạng, chọn ra đội nhất 8 bảng đi VCK tại Ấn Độ. Kết quả, bảng A gồm: Đài Loan, Bahrain, Turkmenistan, Lào. Bảng B: Việt Nam, Tajikistan, Maldives, Afghanistan. Bảng C: Triều Tiên, Singapore, Iraq, Indonesia. Bảng D: Myanmar, UAE, Guam, Lebanon. Bảng E: Hàn Quốc, Uzbekistan, Mông Cổ. Bảng F: Philippines, Hồng Công, Nepal. Bảng G: Jordan, Iran, Baladesh. Bảng H: Thái Lan, Palestine, Malaysia.

Là đội tuyển xếp hạng 33 nữ thế giới, đội tuyển Việt Nam được xếp hạt giống của bảng B nên chỉ đụng với các đội nhẹ ký là Tajikistan (hạng 135), Maldives (hạng 144) và Afghanistan (hạng 152). Dự kiến vòng loại bảng B tổ chức tại Tajikistan vào tháng 9 tới. Đội Việt Nam gặp chủ nhà Tajikistan, sau đó gặp Maldives và Afghanistan.

Cơ hội lớn đối với bóng đá Việt Nam

Hai kỳ Asian Cup trước, tuyển nữ Việt Nam từng đánh mất cơ hội dự World Cup. Đáng nói, VCK Asian Cup 2014 ngay tại Việt Nam. Thời điểm đó, bóng đá Triều Tiên bị FIFA cấm tham dự nên cánh cửa mở ra đối với tuyển nữ Việt Nam tới World Cup khi châu Á được 5 suất tham dự. Ngoài hai đội nhất, nhì hai bảng đấu đi World Cup thì hai đội xếp thứ ba ở hai bảng đấu 1 trận, đội thắng đi dự World Cup. Ngay trên sân nhà, tuyển nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Trung Quốc thua nữ Thái Lan 1 bàn và nhìn đối thủ dự World Cup 2015 đầy tiếc nuối. Kỳ sau cũng thế, nữ Việt Nam cũng nhìn Thái Lan dự World Cup 2019. Qua 2 kỳ “lỡ đò”, chắc chắn nữ Việt Nam sẽ đúc rút kinh nghiệm cho lần thứ 3 này.

Con đường để bóng đá nữ Việt Nam được dự World Cup chưa khi nào lớn như lúc này. Trước hết chính là sự thay đổi khi FIFA tăng số đội tham dự World Cup 2023 từ 24 lên 32 đội . Theo phân định, châu Á sẽ có 5 suất vào thẳng vòng bảng cùng 1 suất của chủ nhà Australia. Ngoài ra, hai đội bóng khác của châu Á sẽ tham dự vòng play-off với 8 đội tuyển của các châu lục khác để chọn 3 vé đi VCK. Như vậy, châu Á có 6 suất, nếu thành công sẽ có 8 suất đi World Cup. Cánh cửa thực sự mở đối với bóng đá nữ Việt Nam khi nền bóng đá nữ hùng mạnh bậc nhất châu Á là Triều Tiên rút lui. Trong thông báo mới nhất của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), nữ Triều Tiên xin rút nên bảng C chỉ còn lại Singapore, Iraq và Indonesia.

Dù không nằm cùng bảng, nhưng việc Triều Tiên rút lui tác động tích cực đến cơ hội dự Asian Cup 2022 cũng như VCK World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam. Với tuyển Việt Nam, cơ hội giành 1 trong 5 suất đi thẳng World Cup của đội tuyển nữ Việt Nam lớn hơn nhiều, áp lực dành cho thầy trò HLV Mai Đức Chung cũng phần nào được giảm bớt. Ở bóng đá nữ châu Á, số 1 là Australia, tiếp đến lần lượt Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Các đội nữ xếp sau là Thái Lan, Myanmar, Đài Loan, Uzbekistan… Dựa trên thực lực, 3 suất vào thẳng khó thoát khỏi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, 2 vé trực tiếp còn lại là cuộc đua tranh của Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Myanmar, ở đó Việt Nam nhỉnh hơn.

Thế nhưng, trước khi đến với giấc mơ World Cup, tránh "lỡ đò" lần thứ 3 liên tiếp, đội tuyển nữ Việt Nam cần giành vé tới Ấn Độ. Thầy trò HLV Mai Đức Chung rơi vào bảng đấu với các đội Tây Á gồm: Tajikistan, Maldives và Afghanistan. Đây được coi là bảng dễ thở và gần như chắc chắn đội tuyển nữ Việt Nam góp mặt tại Ấn Độ. Nhưng không vì thế mà chủ quan, phải có sự chuẩn bị tốt nhất, tôn trọng đối thủ và mạnh dạn tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ thi đấu ở vòng loại.

Trước cơ hội này, tuyển nữ Việt Nam chuẩn bị từ khá sớm, có thêm chuyên gia thể lực kiêm phân tích dữ liệu Cedric tới giúp sức. Toàn đội được tiêm vaccine phòng COVID-19, trải qua giai đoạn tập thể lực và chuẩn bị cho giai đoạn tập chiến thuật. Nhiều cầu thủ đưa lên trang cá nhân khen ngợi HLV Cedric giúp họ hồi phục nhanh và nâng cao thể lực. Tuyển thủ Tuyết Dung khoe có những bài tập thể lực lần đầu tiên bản thân cô và đồng đội mới được luyện tập. Chuyên gia Cedric quan tâm rất kỹ đến các vấn đề của từng cầu thủ và có những bài tập phù hợp với mỗi người.

Vòng loại châu Á rất khốc liệt, chỉ có đội nhất bảng mới được tới Ấn Độ 2022, qua đó tìm cơ hội dự World Cup 2023. Biết mình đứng ở vị trí cao hơn, nhưng nữ Việt Nam phải cẩn trọng, tránh chủ quan để hướng tới đạt kết quả tốt nhất, giành vé đi VCK châu Á. Nhằm giúp các tuyển thủ nữ có sự chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho các mục tiêu quan trọng trong tương lại, VFF đưa ra kế hoạch, tìm kiếm đối thủ giao hữu phù hợp và nhiều khả năng đưa đội sang UAE tập huấn, thi đấu với các đội Tây Á hoặc châu Âu trước giờ bước vào vòng loại ở Tajikistan./.