Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: “Điểm tựa” vững chắc khi gặp rủi ro

Doanh nghiệp và người lao động chú trọng bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất.
Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng AMECC trong giờ sản xuất. Ảnh: MAI LÊ
(HPĐT)- 5 tháng năm 2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hải Phòng giải quyết chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) một lần cho 77 lao động với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng; 14 lao động hưởng chế độ hằng tháng. Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trở thành “chỗ dựa” vững chắc, chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập khi NLĐ không may gặp rủi ro. Song, cũng có nhiều trường hợp chịu thiệt thòi, không được hưởng chế độ do doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động, không tham gia BHXH bắt buộc.
Giải quyết chế độ đúng, đủ, kịp thời
Chia sẻ về ý nghĩa nhân văn, thiết thực của chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, chị Lương Hồng Ghi, ở xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng), từng là công nhân Công ty TNHH nguyên liệu giày Thuận Ích cho biết: Hơn 2 năm trước, chị bị tai nạn lao động trong khi đang làm việc ca đêm, tấm cửa kính từ trên cao rơi xuống người khiến chị chấn thương sọ não. Với tỷ lệ giám định thương tật 17%, chị được cơ quan BHXH giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN một lần với số tiền gần 20 triệu đồng. Trong lúc ốm đau, bệnh tật phải nghỉ việc, không có nguồn thu nhập nào khác, số tiền chi trả từ bảo hiểm giúp chị có kinh phí điều trị bệnh cũng như trang trải cuộc sống trước mắt. Không chỉ chị Ghi mà nhiều lao động không may gặp rủi ro, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp cũng được giải quyết chế độ đầy đủ, kịp thời.
Theo Trưởng Phòng Chế độ BHXH (BHXH Hải Phòng) Phạm Thị Thanh Vân, bảo hiểm TNLĐ, BNN là 1 trong 5 chế độ NLĐ được hưởng khi tham gia BHXH bắt buộc. NLĐ được trợ cấp một lần khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5%-30%. Nếu suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Trong trường hợp NLĐ suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng. Nếu suy giảm 31% khả năng lao động được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài các mức trợ cấp trên, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Bảo hiểm TNLĐ, BNN là chính sách nhân văn, ưu việt, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ trong thời gian nghỉ việc tạm thời. Tuy nhiên, còn có nhiều lao động chưa thể “chạm” đến quyền lợi này bởi không được giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Quân, thôn Úc Gián, xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy), là lao động tự do, thời vụ tại các công trường xây dựng. Năm 2023, trong lúc làm việc ông gặp tai nạn, nhưng do làm việc bằng thỏa thuận miệng nên không được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Trong khi theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, nếu người sử dụng lao động không đóng BHXH cho NLĐ, chẳng may trong quá trình lao động NLĐ bị TNLĐ, BNN thì người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hằng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho NLĐ thay cho cơ quan BHXH. Thế nhưng, số người sử dụng lao động thực hiện đúng, đủ theo quy định trên không nhiều, đại bộ phận các trường hợp phần thiệt vẫn thuộc về NLĐ.
Tăng cường hỗ trợ, tư vấn người lao động
Theo quy định, NLĐ được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN khi có đủ điều kiện như: Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Đồng thời, còn áp dụng đối với NLĐ bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý, với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Qua tìm hiểu, phần lớn doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến bảo đảm các quyền lợi, chế độ đối với NLĐ, nhưng còn một số doanh nghiệp có biểu hiện né tránh, chậm trễ trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ cho NLĐ. Nhiều lao động phản ánh, doanh nghiệp chỉ lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau mà không hướng dẫn NLĐ làm hồ sơ giám định và các thủ tục liên quan. Chỉ đến khi có ý kiến thì doanh nghiệp mới có động thái hỗ trợ NLĐ lập hồ sơ giám định. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, ngoài các loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật được bảo hiểm y tế thanh toán, có trường hợp NLĐ phải thanh toán toàn bộ mà không nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều lao động mong muốn có sự chung tay hỗ trợ của chủ sử dụng lao động, giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt.
Phó giám đốc BHXH Hải Phòng Mạc Thanh Giang cho biết, trước tình trạng trên, BHXH Hải Phòng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NLĐ và người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN. Trong đó, tập trung tuyên truyền về điều kiện hưởng, quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ. Mặt khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình, NLĐ khi tiến hành thỏa thuận làm việc cần giao kết cụ thể, rõ ràng bằng hợp đồng lao động và đề nghị, giám sát người sử dụng lao động tham gia BHXH đầy đủ. Cơ quan BHXH tập trung cao, bảo đảm giải quyết kịp thời, đúng người, đúng chế độ cho các trường hợp bị TNLĐ, BNN; tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm việc giải quyết các chế độ để cập nhật, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh, từ đó có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tập trung tuyên truyền, vận động người hưởng đăng ký hưởng chế độ qua tài khoản ATM.