Thực hiện công trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích: Phát huy hiệu quả cao nguồn “vốn mồi”
(HPĐT)- Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố vừa tổ chức giám sát chuyên đề thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố về công trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích. Kết quả giám sát cho thấy, bên cạnh sử dụng nguồn “vốn mồi” của thành phố, các địa phương chủ động huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện trùng tu, tôn tạo, khắc phục sự xuống cấp và bảo vệ các hạng mục gốc, các giá trị gốc của di tích.

Một đồng “vốn mồi”, 4 đồng vốn góp
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó chủ tịch UBND xã Liên Xuân (thành phố Thủy Nguyên) Nguyễn Trung Hiếu cho biết, trên địa bàn xã có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Năm 2023, 2 di tích quốc gia gồm đền Thụ Khê và chùa Thiểm Khê xuống cấp và được thành phố công trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo theo Nghị quyết số 82/2022 của HĐND thành phố, với mức 500 triệu đồng/di tích. Đến nay, trên cơ sở “vốn mồi” của thành phố và 1 tỷ đồng huy động xã hội hóa, hơn 400 ngày công, chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích hoàn thành một số hạng mục, còn các hạng mục khác tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa (khoảng 2 tỷ đồng) để hoàn thiện dần. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, trên địa bàn thành phố hiện có 943 di tích, trong đó có một di sản thiên nhiên thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 119 di tích quốc gia, 433 di tích thành phố và gần 400 di tích trong danh mục kiểm kê. Thực hiện Nghị quyết số 22/2017 của HĐND thành phố, từ tháng 1- 2018 đến hết tháng 11-2024, có 129 di tích cấp thành phố được công trợ tổng số 38,7 tỷ đồng, huy động xã hội hóa gần 167 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 82/2022 của HĐND thành phố về việc công trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia trên địa bàn thành phố, theo kế hoạch giai đoạn 2023-2027, UBND thành phố sẽ công trợ kinh phí đối với 73 di tích, với tổng kinh phí 103 tỷ đồng, công trợ mức từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/di tích, tùy theo cấp độ đánh giá. Tính từ tháng 6-2023 đến tháng 11-2024, trên địa bàn có 12 hồ sơ tu bổ được lập, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt, trong đó tổng kinh phí được thành phố bố trí công trợ 11,875 tỷ đồng, huy động nguồn xã hội hóa gần 38 tỷ đồng.
Thông tin với Đoàn giám sát, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trịnh Văn Tú khẳng định, kinh phí công trợ từ nguồn ngân sách nhà nước là cơ sở quan trọng để địa phương huy động xã hội hóa, nhân dân tham gia đóng góp các nguồn lực bảo vệ di tích. “Điều này thể hiện rõ qua nguồn kinh phí công trợ của thành phố 38,7 tỷ đồng, trong khi các địa phương huy động được nguồn lực xã hội hóa gấp 4 lần (gần 167 tỷ đồng). Nguồn kinh phí thực hiện theo Nghị quyết số 82/2022 của HĐND thành phố cũng nhận được đồng thuận, thống nhất ủng hộ của người dân”, ông Tú cho biết.
Rõ hiệu quả, rõ cách làm
Qua làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, các địa phương như: Thủy Nguyên, An Dương, Ngô Quyền và khảo sát thực tế tại một số di tích, Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố ghi nhận một số kinh nghiệm hay. Cụ thể, để phát huy hiệu quả nguồn “vốn mồi”, ngay từ khi HĐND thành phố ban hành các nghị quyết, Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các di tích, ưu tiên tu bổ các di tích xuống cấp nghiêm trọng, đề xuất thay thế các di tích nằm trong kế hoạch công trợ, nhưng đã thực hiện việc tu bổ, tôn tạo bằng nguồn kinh phí huy động xã hội hóa. Trong quá trình lập hồ sơ, các địa phương lưu ý bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế phục dựng, xây mới, sử dụng nguyên vật liệu hiện đại. Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên Uông Minh Long và Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Đặng Văn Khởi, từ nguồn kinh phí được công trợ, chính quyền địa phương và Ban quản lý các di tích tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân việc tu bổ, tôn tạo khang trang các di tích góp phần xây dựng đời sống văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo của nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó tạo sự đồng thuận, tham gia đóng góp nguồn lực trong nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số hạn chế trong triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố về trùng tu, tôn tạo, tu bổ di tích. Đồng chí Lê Quốc Tiến, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, các địa phương tiếp tục bám sát các nghị quyết của HĐND thành phố, kế hoạch của UBND thành phố để trùng tu, tôn tạo di tích bảo đảm tiến độ, chất lượng; đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo di tích theo hướng tăng số lượng di tích trùng tu trong năm, nhưng không đổi về tổng số di tích của nghị quyết. Đồng thời, tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di tích; đôn đốc, hướng dẫn, triển khai tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Mặt khác, các địa phương tiếp tục bổ sung, bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực, cán bộ, chuyên viên theo dõi lĩnh vực di sản văn hóa có chuyên môn để thực hiện hiệu quả cao nhiệm vụ quản lý di sản văn hóa ở cấp huyện. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích chú trọng vận động nguồn kinh phí đối ứng, nhất là ở các địa phương khó khăn cũng như giữ gìn “giá trị gốc” của di tích; phát huy giá trị của di tích sau tu bổ…