“Cởi trói” cơ chế để thực sự vượt trội
(HPĐT)- Trong số các nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận tuần qua, một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận là đề xuất thí điểm mô hình khu thương mại tự do tại Đà Nẵng.
Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, Chính phủ đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mô hình kinh tế phổ biến được hơn 150 quốc gia áp dụng, đồng thời không ngừng điều chỉnh, bổ sung, thí điểm các cơ chế đột phá mới để tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới như EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc..., tiếp cận có chọn lọc các chính sách ưu đãi đã thành công từ các mô hình triển khai trong nước, dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng với 3 khu chức năng: Sản xuất, hậu cần cảng - logistics, thương mại - dịch vụ; quy định các chính sách thí điểm phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng phù hợp... Chính phủ cũng nêu rõ, đây là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Trên thực tế, xây dựng mô hình khu thương mại tự do là mong muốn từ lâu của Hải Phòng, nhằm phát huy vị trí “đắc địa” về kinh tế, tận dụng lợi thế, thời cơ rất lớn để là điểm đến của dòng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng, trở thành “công xưởng sản xuất” của khu vực thời Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là một nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng chỉ rõ. Theo đó, tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của Hải Phòng.
Quan điểm, định hướng đã rõ như vậy. Sự phù hợp của mô hình này với điều kiện Hải Phòng đã được giới chuyên gia nhất trí cao. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên từng đánh giá, về mặt kinh tế, với tư cách trung tâm hội nhập quốc tế, Hải Phòng có vai trò còn quan trọng hơn Hà Nội “vì đây là tọa độ kinh tế thuận lợi bậc nhất" và đề xuất xây dựng tại Hải Phòng, hoặc biến toàn bộ Hải Phòng thành khu thương mại tự do thế hệ 4.0. Tại cuộc hội thảo về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết và đề nghị Trung ương cho phép thí điểm khu thương mại tự do tại địa phương thuận lợi như Hải Phòng để giữ vai trò trung tâm kết nối hiện đại, lan tỏa hiệu quả tới kinh tế toàn vùng trong 30 năm tới. Xây dựng khu thương mại tự do tại Hải Phòng ngoài phát huy tốt điều kiện địa kinh tế, chiến lược lý tưởng của thành phố Cảng để hình thành trung tâm cạnh tranh tầm cỡ quốc tế hàng đầu, còn tạo cơ sở pháp lý nhân rộng mô hình thành công này tại Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết 45, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, Chính phủ đề xuất xây dựng khu thương mại tự do tại thành phố, giao Hải Phòng phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án. Tuy nhiên, rất tiếc là đề xuất này chưa được đưa vào Nghị quyết 35 do nhiều lý do, trong đó “rào cản” lớn vẫn là mô hình này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Kiên trì theo hướng này, thành phố vẫn đang phối hợp xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do trong Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng để trình sắp tới.
Quay lại với việc thảo luận về cơ chế cho Đà Nẵng, qua thẩm tra dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành chủ trương thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn có băn khoăn về các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật; có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn, xây dựng một đề án riêng về khu thương mại tự do trình Quốc hội...
Một cách làm mới ra đời đòi hỏi phải phá vỡ những “rào cản”, “nút thắt” về chính sách, pháp lý không còn phù hợp. Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, không nên cầu toàn, “Nếu chờ đề án riêng thì bao giờ mới có được mô hình mới này?”. Thời cơ từ bối cảnh quốc tế không dễ lặp lại, nếu không tận dụng kịp thời, sẽ bỏ lỡ rất đáng tiếc. Vì thế, cần sự quyết liệt của Quốc hội trong “cởi trói” cơ chế để thực sự mang tính vượt trội, đột phá, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển. Việc Đà Nẵng được phép thí điểm triển khai khu thương mại tự do sẽ là sự “đầu xuôi”, tin vui với Hải Phòng khi thành phố đang chuẩn bị sơ kết thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về định hướng và cơ chế đặc thù phát triển thành phố, để bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ chế ưu việt hơn, xung lực mới cho Hải Phòng bứt phá./.