Giải “bài toán khó” trong sắp xếp
(HPĐT)- Triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 “Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các chủ trương theo Kết luận số 127 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, những công việc liên quan đang được các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện với tinh thần "thần tốc", "làm việc không kể ngày đêm" để bảo đảm hoàn thành đúng lộ trình đề ra, trọng tâm là việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, với các mục tiêu cụ thể dần lộ diện.
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, khẩn trương, lại rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là khi liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại địa giới đơn vị hành chính. Như phải khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện thể chế (bao gồm việc sửa đổi các quy định của Đảng, sửa đổi Hiến pháp, pháp luật…); xây dựng, thông qua các văn bản pháp quy, để từ 1-7-2025 hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, vận hành theo mô hình mới; trước ngày 30-8 hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh để đi vào vận hành từ 1-9-2025.
Tầm vóc cách mạng của nhiệm vụ thể hiện qua việc sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành phố hiện nay; xóa 696 đơn vị hành chính cấp huyện; sắp xếp, sáp nhập 10.035 đơn vị hành chính cấp xã thành khoảng 3.000 đơn vị, giảm 60-70%. Dự kiến phần lớn số nhiệm vụ, quyền hạn hiện của cấp huyện chuyển cấp xã đảm nhiệm, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho cơ sở. Thực chất, đây là sự tổ chức lại không gian phát triển quốc gia ở cấp địa phương để có thể đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao “2 con số”, trước hết tạo điều kiện để quy hoạch, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy, khai thác tối đa; đồng thời tinh gọn bộ máy hành chính, tiết kiệm ngân sách. Qua đó, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Chia sẻ về nhiệm vụ này, dư luận xã hội bày tỏ đồng tình, ủng hộ, cho rằng đổi mới, sắp xếp tổ chức lại mô hình và hoạt động của các đơn vị hành chính là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Là cuộc cách mạng thật sự, việc tiếp tục triển khai sâu, rộng thực hiện Nghị quyết 18 cần triệt để, quyết liệt đến cùng để bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Theo một số chuyên gia, nhà quản lý, “bài toán” quan trọng, khó nhất trong sắp xếp lại đơn vị hành chính là giải quyết vấn đề con người. Khi sáp nhập cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cần tinh giản sẽ rất lớn, đòi hỏi đội ngũ ở lại phải có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ rất cao trong tình hình mới. Bởi sau khi tinh gọn, nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý cũng như của từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức đòi hỏi cao hơn rất nhiều khi công việc nhiều hơn, phạm vi rộng hơn, yêu cầu về chất lượng cao hơn, bảo đảm cho công việc thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhất là ở cấp cơ sở. Đây cũng là cơ hội rất tốt để sàng lọc đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp. Vì vậy, cần kịp thời có cơ chế, chính sách để giữ chân người làm được việcnhững người có phẩm chất chính trị tốt, bản lĩnh vững vàng, đạo đức, lối sống tốt, trình độ năng lực cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cao sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy. Đồng thời, phải có chính sách thỏa đáng với người có nguyện vọng về hưu trước tuổi, người nghỉ công tác hay chuyển sang làm việc trong khu vực ngoài công lập. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, mới đây Nghị định 67/2025 sửa đổi, mở rộng diện thụ hưởng, trong đó có chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức trong diện sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện phần nào giúp cán bộ, công chức yên tâm khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.
Cùng cả nước, nhiệm vụ này đang được Hải Phòng khẩn trương, quyết liệt thực hiện. Nhìn lại lịch sử, cho đến giờ, Hải Phòng là một trong số rất ít đơn vị hành chính cấp tỉnh trong cả nước thực hiện hợp nhất thành công (giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An năm 1962), mở ra những không gian, động lực to lớn để phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Vừa mới đây, thành phố săp xê ́ p gi ́ ảm 50 xã, phường- số lượng đơn vị hành chinh tinh gi ́ ản vào loại lớn nhất cả nước, nhanh chóng ổn định hoạt động. Những kinh nghiệm quý từ thực tiễn như vậy là “chìa khóa” thành công cho lộ trình tiếp theo, cùng công tác chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo, trong đó làm tốt công tác tuyên truyền, tạo nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng như có chính sách, chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời bảo đảm hoạt động của các cơ quan, tổ chức, địa phương, giữ thông suốt việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, quyết liệt đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025, nhất là hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 12,5%. Bằng tình yêu, khát vọng về quê hương, cán bộ, nhân dân Hải Phòng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, cả trước mắt và tiếp theo, tạo thêm nhiều dư địa, động lực phát triển mới để đưa quê hương tiếp tục đà bứt phá.