“Hải Phòng có bến Sáu Kho, có sông Tam Bạc, có lò Xi măng”: Đừng chẻ đôi câu ca dao!?…

10:30 SA 23/07/2024

“Hải Phòng có bến Sáu Kho, có sông Tam Bạc, có lò Xi măng”. Cả  3 công trình lịch sử này đều nằm trên địa bàn quận Hồng Bàng, đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người Hải Phòng, thành ca dao, tục ngữ…

Thế nhưng, không biết sắp tới bến Sáu Kho sẽ ra sao ? Khi nơi này đang được di chuyển để xây cầu, chỉnh trang, mở rộng đô thị…Nếu bến Sáu Kho không còn, chả nhẽ lại chẻ đôi câu ca dao?..  

Trong khi đó, sông Tam Bạc đã và đang được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để tôn tạo trở thành một dải lụa đẹp giữa trung tâm thành phố với những công trình kiến trúc, cầu đường xây mới, mở rộng khang trang, vừa hiện đại, vừa giữ nét cổ kính bao đời.

 

Cảng Hải Phòng năm 1955, thời điểm được đánh dấu trên bản đồ hàng hải thế giới là cảng biển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Ảnh tư liệu Cảng Hải Phòng

 

 Lò Xi măng-  nhà máy xi măng Hải Phòng cũ, nhà máy xi măng đầu tiên của Việt Nam ra đời cách đây 125 năm nằm trên khu đất bên  ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý xưa, nay đã được di dời sang khu công nghiệp Tràng Kênh, Thuỷ Nguyên đầu tư xây mới nhà máy xi măng Vicem Hải Phòng hiện đại. Trên mặt bằng nhà máy cũ đã mọc lên một khu đô thị hiện đại bậc nhất của thành phố.  Và ở đây, thành phố đã  cùng với Tổng Công ty xi măng  Việt Nam  kịp thời xây dựng Bảo tàng xi măng Việt Nam, với diện tích 5.127 m2 đất tại vị trí ống khói lò 3 năm xưa. Đây là bảo tàng xi măng đầu tiên của cả nước, được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày ra đời của ngành xi măng Việt Nam. Nơi đây lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử phát triển của ngành XM Việt Nam, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ…thu hút nhiều người Hải Phòng và du khách khắp nơi…

 

Cảng Hải Phòng có 6 kho, nên thường được gọi là bến Sáu Kho (trong ảnh là kho 4  tại bến cảng Hoàng Diệu). Ảnh: Minh Tú

 

Còn bến Sáu Kho – tên gọi thân thuộc cảng Hoàng Diệu  nằm bên sông Cấm, cách cửa biển khoảng 16 km, được người Pháp xây dựng từ năm 1874 với 6 nhà kho lớn, nay là 1 trong 3 bến cảng thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng. Với tuổi đời 150 năm, Cảng Hoàng Diệu là cảng lâu đời nhất Hải Phòng, là nơi phát triển của giai cấp công nhân, giàu truyền thống cách mạng và liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn người lao động cùng nhiều thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng…

 

Cảng Hải Phòng năm 1888 sau khi Pháp xây 6 kho hàng và 3 cầu dẫn. Ảnh tư liệu Cảng Hải Phòng

 

Theo quy hoạch, thành phố quyết định thu hồi hơn 50 ha đất sát bờ sông Cấm, trong đó có có hơn 300.000 m2 đất cảng Hoàng Diệu  để chỉnh trang đô thị và xây cầu Nguyễn Trãi nối nội đô Hải Phòng ( quận Ngô Quyền) với huyện Thuỷ Nguyên- nơi Trung tâm Chính trị - Hành chính của Hải Phòng  đang được khẩn trương hoàn thành vào năm 2025. 

Theo kế hoạch của UBND TP Hải Phòng, dự án sẽ khởi công vào tháng 9, khi đó cảng Hoàng Diệu sẽ dừng khai thác ba bến và phân kỳ di chuyển máy móc theo tiến độ thi công dự án…Bến Sáu Kho trở thành di sản công nghiệp. Chính vì vậy, nhiều người lo ngại  Sáu Kho sẽ ra sao?

 

Năm 1972, máy bay ném bom trúng tàu Ba Lan mang hàng tiếp tế vào cảng Hải Phòng khiến 4 thủy thủ hy sinh. Năm 2021, đại sứ Ba Lan là cháu của một trong bốn người đó đã đến thăm, đặt vòng hoa tại cảng. Ảnh tư liệu Cảng Hải Phòng

 

Liên tục trong gần 10 năm qua, Hải Phòng có sự phát triển đột phá nhiều lĩnh vực về kinh tế- xã hội với mức tăng trưởng bình quân 2 con số, trong top các địa phương dẫn đầu cả nước. Cùng với đó, Hải Phòng ngày càng “rộng dài, rực sáng” với hàng loạt “ Đường phố mới, thênh thang đô thị mới”…làm nức lòng những người dân Hải Phòng và cả nước.  Trong quá trình đô thị hoá, nhất là những năm gần đây, thành phố chú trọng và có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy những di tích lịch sử, những công trình, kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hoá, xã hội, công nghệ…

 

Kho 6 tại bến cảng Hoàng Diệu. Ảnh: Minh Tú

 

Thế nhưng, không ít di sản công nghiệp trước đó đã không còn, hoặc không đuợc bảo tồn, khai thác…đúng mức. Bây giờ thật khó có thể nhận ra dấu tích của nhiều cơ sở công nghiệp lừng lẫy một thời như “ Sóng Duyên Hải”- Nhà máy cơ khí Duyên Hải với xưởng cơ khí sản xuất máy móc ở 14- Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng, Nhà máy Toa xe Hải Phòng tại 39-Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, hay Nhà máy đóng tàu Tam Bạc ra đời từ năm 1882, nơi đóng những con tàu “Không số” vỏ thép đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển..Do nhiều nguyên nhân, những nơi nay đã chuyển đổi, xây dựng thành những khu đô thị, khách sạn mới, hiện đại. Còn thảm len Hàng Kênh với thương hiệu Taipis Hàng Kênh từ năm 1929, tại 124 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, giờ đây là những toà nhà cao tầng của bệnh viện Đa khoa quốc tế. Bên cạnh đó, nơi từng có cụm tượng đài công nhân thảm len đã bị dỡ bỏ để làm văn phòng của ngân hàng…

 

Theo kế hoạch của thành phố, Cảng Hải Phòng sẽ từng bước di dời bến Cảng Hoàng Diệu (bến Sáu Kho) để phục vụ phát triển thành phố. Ảnh: Minh Tú

 

Việc di dời những cơ sở công nghiệp, kho tàng, bến bãi lâu đời đã cũ nát, lạc hậu ra khỏi khu vực nội đô để nhường chỗ cho những công trình dân sinh, xã hội… mới, trong quá trình phát triển, mở rộng đô thị là tất yếu và đang diễn ra ngày càng nhanh chóng. Tuy nhiên, trong số đó có những công trình hoặc một phần của công trình có những giá trị về văn hoá, kiến trúc, như những chứng tích về lịch sử con người, đô thị… rất cần được lưu giữ, bảo tồn, phát huy.

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc… 150 năm , cảng Hoàng Diệu dù di dời nhưng sáu nhà kho lớn nơi đây cần giữ lại, có phương án tu bổ, khai thác phù hợp cùng với  đầu tư hệ thống công viên, cây xanh…bên bờ sông Cấm… sẽ trở thành một địa chỉ văn hoá, du lịch, vui chơi đặc sắc, hấp dẫn của thành phố Cảng.  Và như thế những di sản công nghiệp như bến Sáu kho, lò xi măng… không chỉ là những tài sản cho nhiều thế hệ mai sau giá trị tinh thần vô giá, mà còn đem lại những giá trị công nghiệp văn hoá, du lịch, dịch vụ không nhỏ.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập