Bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước thô: Cần giải pháp cấp bách, đồng bộ

10:32 SA 19/12/2023

 

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ tổ chức giải tỏa, mở rộng lòng sông Đa Độ tại khu vực xã Tân Phong (huyện Kiến Thụy).

 

(HPĐT)- Kế hoạch 320/KH-UBND ngày 13-12-2023 về triển khai thực hiện các nội dung bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 về nước sạch nông thôn, xác định một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện là: bảo vệ, quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Điều này xuất phát từ thực tế hệ thống các sông: Đa Độ, Rế, Luộc, Giá, kênh Hòn Ngọc và hệ thống kênh trung thủy nông Tiên Lãng… là nguồn cung cấp nước chủ yếu phục vụ đời sống và sản xuất nước sinh hoạt cho người dân nhưng luôn bị đe dọa bởi ô nhiễm và suy thoái.

 

Ô nhiễm “bủa vây” các dòng sông

 

Thông tin tại hội nghị tổng kết công tác dịch vụ thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2023 trên địa bàn huyện An Lão mới đây, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết: Hiện trên địa bàn huyện An Lão có tới 111 điểm xả nước thải của doanh nghiệp, bệnh viện, trang trại chăn nuôi, khu dân cư vào hệ thống thủy lợi vào sông Đa Độ. Đáng lo hơn, hiện các xã triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhưng ít quan tâm việc đầu tư công trình thu gom nước mưa, nước thải sinh hoạt dẫn tới hệ thống thủy lợi trở thành nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước từ sản xuất nông nghiệp còn tồn dư phân bón và thuốc trừ sâu… đe dọa nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước sông Đa Độ. Theo Trưởng Phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ) Phạm Hà Thanh, hiện toàn tuyến sông Đa Độ có 410 tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải. Trong đó, 58 đơn vị được cơ quan chức năng cấp phép xả thải, 350 điểm đang tự do xả thải. Báo động và khó kiểm soát nhất là vị trí xả thải tại khu dân cư tập trung thị trấn An Lão và khu vực cầu Nguyệt Áng (xã Mỹ Đức, Thái Sơn); khu làng nghề Tràng Minh (quận Kiến An); khu vực xã Đại Đồng, Đông Phương, thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy)...

 

Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải, với chiều dài chưa tới 10 km, đến thời điểm cuối năm 2023, mỗi 1 km sông Rế thuộc hệ thống kênh An Kim Hải (nhánh 1) “gánh” 39 điểm xả thải của các doanh nghiệp và khu dân cư. Cùng với kênh Bắc Nam Hùng, toàn bộ hệ thống nước thải khu dân cư tại các xã, thị trấn An Dương đều chảy ra các công trình thủy lợi và sau đó là sông Rế. Đơn vị thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt hệ thống sông Rế đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm. Không chỉ sông Đa Độ, sông Rế, chất lượng nước sông Giá, kênh Hòn Ngọc, sông Luộc, sông Chanh Dương, hệ thống kênh trung thủy nông Tiên Lãng… luôn đứng trước nguy cơ ô nhiễm. Chất lượng nước thô suy giảm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân tại các địa phương. Tại huyện Tiên Lãng, một số nhà máy nước mini thậm chí không thanh toán kinh phí bảo vệ nguồn nước thô với lý do chất lượng nước đầu vào không đạt yêu cầu.

 

Công nhân cống đầu mối Phi Liệt, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) kiểm tra thiết bị trước khi mở cống lấy nước bổ sung vào hệ thống.

 

 

Giải pháp đồng bộ, quyết liệt

 

Theo Trưởng Phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên) Nguyễn Trịnh Thương, nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Giá, kênh Hòn Ngọc và kênh Chu- nguồn cung cấp nước chủ yếu của huyện Thủy Nguyên, đơn vị thường xuyên kiểm tra, phát hiện, báo cáo địa phương kịp thời xử lý trường hợp vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi; chú trọng kiểm tra, giám sát 57 tổ chức, cá nhân có xả nước thải vào công trình thủy lợi (trong đó, 17 trường hợp được cấp phép xả thải), xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm quy định về xả thải vào nguồn nước.

 

Để hạn chế tác động ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng nước sông Rế, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải đề xuất UBND thành phố, huyện An Dương tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường vùng giáp ranh với UBND tỉnh Hải Dương và huyện Kim Thành. Giảm việc phụ thuộc lấy nước tại cống Bằng Lai, Quảng Đạt (huyện Kim Thành), đơn vị xây dựng mới 10 cống dưới đê tả Lạch Tray và hữu sông Cấm; gia cố, mở rộng kè gia cố các tuyến kênh Kim Xá, Hòa Phong, Tân Hưng Hồng, Đại Hưng… qua đó bổ sung, cải thiện chất lượng nguồn nước thô.

 

Việc bảo vệ, quản lý và khai thác nguồn nước sông có vai trò, trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường. Cùng với tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thủy lợi, xả thải, gây nhiễm nguồn nước, vi phạm khai thác nguồn nước. Thiết nghĩ, thành phố cần sớm chỉ đạo tổ chức điều tra, thống kê các điểm xả thải vào hệ thống thủy lợi; lập, quản lý và giám sát chặt các điểm xả thải trực tiếp ra các kênh mương. Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương cần đầu tư hệ thống thu gom nước mưa, nước thải khu dân cư… góp phần bảo vệ chất lượng nguồn nước thô của thành phố.