Các ngân hàng thực hiện thông tư 06: Tháo gỡ vướng mắc, chủ động hạ lãi vay
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng HDBank Chi nhánh Hải Phòng.
(HPĐT)- Sau gần hai tháng kể từ khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực, trong đó giao quyền các ngân hàng được xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác, dù lãi suất cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại nhiều vướng mắc phát sinh.
Lãi phạt cao, thủ tục cho vay không đơn giản
Chị Đỗ Thị Hương Lan, ở phố Tây Sơn, phường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An) cho biết: Năm 2022, gia đình tôi mua nhà và vay ngân hàng 1 tỷ đồng, lãi suất 13%/năm; thời gian vay là 25 năm. Hiện, mỗi tháng hai vợ chồng phải trả ngân hàng 14 triệu đồng cả gốc và lãi. Khi được biết thông tin có thể vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác lãi suất thấp hơn, tôi rất mừng, tìm hiểu để làm thủ tục vay. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề đáo hạn, ngân hàng đưa ra mức lãi suất 8% trong vòng 2 năm đầu để trả ngân hàng cũ. Ngân hàng tư vấn cho gia đình nên vay khoản tiền 1 tỷ đồng ở bên ngoài, tự rút sổ và đăng ký như một khoản vay mới tại ngân hàng này. Phương án thứ 2, tôi có thể thế chấp một tài sản khác như lô đất để lấy khoản tiền dùng cho mục đích trả nợ ngân hàng cũ. Cả 2 phương án, gia đình không thể đáp ứng vì không thể một lúc vay được 1 tỷ đồng để trả ngân hàng cũ và cũng không còn tài sản nào khác để thế chấp. Chưa kể, phía ngân hàng phải thẩm định hồ sơ từ đầu và tôi vừa mất phí phạt lãi ngân hàng cũ vừa phải chịu phí hồ sơ ngân hàng mới”.
Theo quy định Thông tư 06, trường hợp khách hàng vay tại ngân hàng B để trả ngân hàng A, thế chấp bằng tài sản duy nhất. Trong ngày ngân hàng B giải ngân tiền, bắt buộc phải nhận về tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có thể phát sinh những rủi ro không thể lường trước như ngân hàng A không kịp làm hồ sơ trong ngày, công chứng tài sản, xác nhận tình trạng ngăn chặn tài sản để nộp cho ngân hàng mới… Do đó, các ngân hàng sẽ lựa chọn phương án an toàn nhất. Phó giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Ngân hàng Sacombank Nguyễn Phương Huyền cho rằng: “Chúng tôi phải chuẩn chỉnh và sẵn sàng trên tinh thần là tích cực để đưa ra quy trình thuận lợi nhất cho khách hàng. Chắc chắn các ngân hàng sẽ thẩm định tài sản, xác minh lại khách hàng theo đúng quy định”.
Một số khách hàng đã được ngân hàng giải ngân để trả nợ khoản vay cho ngân hàng khác, nhưng phần lớn đều phải đáp ứng tiêu chí có tài sản bảo đảm để thế chấp tại ngân hàng mới. Lãi suất cho vay thấp hơn so với các khoản vay đang thực hiện, nhưng cũng không phải quá thấp, ở mức 8 - 9%/năm trong thời gian lâu dài, sau gói cho vay ưu đãi hết hạn trong 1, 2 năm đầu; người vay phải chịu thêm khoản chi phí “phạt trả nợ trước hạn” từ 2 - 3%/năm.
Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn
Các chuyên gia tài chính cho rằng, để giải quyết vướng mắc về tài sản bảo đảm, NHNN cần có thêm các quy định và hướng dẫn chi tiết để việc chuyển giao được thuận lợi, nếu phải có tài sản bảo đảm khác thì chẳng khác gì khách hàng khởi tạo khoản vay mới. Theo đó, cần có những quy định rõ hơn khi khách hàng đã chấp thuận chuyển khoản nợ thì hai ngân hàng phải hợp tác thực hiện, thời gian chuyển khoản nợ giữa hai ngân hàng. Trước mắt, việc khách hàng có thể vay ngân hàng để trả nợ khoản vay trước đó sẽ góp phần làm tăng sức ép giảm lãi suất cho vay, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại Hải Phòng, ngay sau khi Thông tư 06 của NHNN có hiệu lực từ ngày 1-9, nhiều ngân hàng thông báo sẽ cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất thấp. Tiêu biểu, Ngân hàng VietinBank đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn cả huy động chỉ từ 5,6%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…). Ngân hàng Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung dài hạn (từ 12 tháng trở lên) và mức cho vay 100% dư nợ gốc còn lại. Cùng với đó, các ngân hàng cổ phần, tư nhân cũng điều chỉnh lãi suất cho vay hấp dẫn, như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng. Ngân hàng Techcombank cũng có chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm.
Với việc thực hiện Thông tư 06, lãi suất cho vay có thể giảm nhưng không đáng kể. Khách hàng cũng không dễ dàng thực hiện thủ tục đảo nợ. Ngân hàng cho vay để trả nợ sẽ đánh giá chặt chẽ các điều kiện của khách hàng, như: hồ sơ vay vốn phải thẩm định từ đầu về mục đích vay vốn, nguồn tiền trả nợ. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đều chủ động tìm cách hạ lãi vay để giữ chân khách hàng hiện hữu trước khi mở rộng thêm khoản vay mới, khách hàng mới./.