Cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam
(HPĐT)- Cùng với sự phát triển của giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam 96 năm qua (1929-2025), Công đoàn Hải Phòng ngày càng tập hợp được đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn vững mạnh, xứng đáng là 1 trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.

Trong ảnh: Liên đoàn Lao động huyện Kiến Thụy biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu và lao động giỏi giai đoạn 2019- 2024.
Đội ngũ công nhân hình thành sớm
Hải Phòng được coi là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng Việt Nam. Hải Phòng còn gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, nhà lãnh đạo đầu tiên của tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam, đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, phong trào công nhân lao động thành phố phát triển khá sớm, từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Bởi từ cuối thế kỷ 19, khi đô hộ, thực dân Pháp đã xây dựng Hải Phòng thành trung tâm thương mại, dịch vụ cảng biển lớn nhất Bắc Kỳ. Cùng với quá trình đó, một lực lượng lao động lớn là nông dân, ngư dân, thợ thủ công từ các tỉnh miền Bắc hội tụ về, hình thành đội ngũ thợ thuyền, là tiền đề ra đời giai cấp công nhân Việt Nam tại Hải Phòng. Với lợi thế cửa khẩu giao lưu quốc tế, công nhân Hải Phòng sớm được tiếp thu chủ nghĩa Mác– Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá về nước, mau chóng trở thành lực lượng đi đầu trong phong trào cách mạng. Năm 1929, Chi bộ Đảng tại Cảng Hải Phòng được thành lập, lãnh đạo phong trào công nhân, phong trào cách mạng tại Cảng. Tháng 4-1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng được thành lập, là một trong số đảng bộ ra đời đầu tiên ở trong nước.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Hải Phòng diễn ra sôi nổi với các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945; kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1954. Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới, đó là thời kỳ “300 ngày giải phóng quê hương”. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố phải đấu tranh với địch trên các mặt trận: kinh tế, chính trị, đập tan ý đồ phá hoại thành phố Cảng, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ của thực dân Pháp và bọn tay sai. Ngày 13-5-1955, bộ đội ta rầm rập tiến vào tiếp quản thành phố. Cả rừng cờ đỏ sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng.
Lực lượng lớn mạnh, dẫn đầu nhiều phong trào thi đua
Sau khi thành phố hoàn toàn giải phóng, Hải Phòng bắt tay vào khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất. Vốn có nền tảng đội ngũ công nhân lao động đông đảo như lực lượng công nhân Cảng, công nhân nhà máy xi măng, cơ khí…, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và Công đoàn thành phố, nhiều phong trào công nhân được phát động, thực hiện. Hải Phòng lúc đó được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu các phong trào thi đua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với nhiều điển hình tiêu biểu như “Tổ đá nhỏ Ca A” của phân xưởng máy đá, Nhà máy xi măng Hải Phòng, con chim đầu đàn của phong trào “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa” ở miền Bắc. Rồi phong trào phát huy sáng kiến kỹ thuật của Nhà máy cơ khí Duyên Hải với “Sóng Duyên Hải” trở thành biểu tượng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong thời kỳ đổi mới, Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là phong trào thi đua “Lao động giỏilao động sáng tạo”.
Từ phong trào công nhân thời kỳ đầu hình thành, Hải Phòng chỉ có mấy chục nghìn người, đến nay, lực lượng công nhân, lao động thành phố lên tới hơn 360 nghìn người, sinh hoạt tại hơn 3 nghìn công đoàn cơ sở, là 1 trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng đoàn viên, công nhân lao động. Cùng với sự phát triển của Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Hải Phòng ngày càng tập hợp được đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn vững mạnh. Phát huy truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam, các cấp Công đoàn thành phố tiếp tục xây dựng đội ngũ, thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động. Hải Phòng cũng tự hào khi năm 2019 hoàn thành việc xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (phường An Đồng, quận An Dương), trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng không chỉ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, còn là nơi giáo dục truyền thống của giai cấp công nhân cả nước. Nơi đây cũng thường xuyên diễn ra các hoạt động của tổ chức công đoàn, công nhân nhất là vào dịp các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước.