Cảnh giác với triệu chứng bệnh sỏi mật

03:36 CH 16/09/2020

 

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa quốc tế thực hiện ca phẫu thuật sỏi mật có biến chứng phức tạp.

 

Trong tháng 7 và tháng 8-2020, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng phẫu thuật và điều trị thành công liên tiếp 4 ca mắc sỏi mật có biến chứng trên người bệnh lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền phức tạp đi kèm. Theo các bác sĩ, sỏi mật nếu “im lặng” thì không nguy hiểm, nhưng nếu sỏi gây triệu chứng, đó cũng là những dấu hiệu cảnh báo biến chứng đang xảy ra, có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

 

Cấp cứu thành công 4 ca bệnh khó


Sáng ngày 9-9, bà N.T.B, 91 tuổi, ở phường Cát Dài (quận Lê Chân) được người nhà đưa đến tái khám sau điều trị viêm sỏi mật cấp. Kết quả, sức khỏe người bệnh hoàn toàn ổn định; da, mắt hết vàng; ăn uống, vận động bình thường; đường mật hết sỏi. Trước đó, ngày 24-7, người bệnh vào viện trong tình trạng nặng với chẩn đoán: nhiễm khuẩn đường mật do sỏi ống mật chủ và sỏi trên gan tái phát, mủ đường mật trên nền bệnh tăng huyết áp. Sau khi các bác sĩ hội chẩn liên khoa, người bệnh được hồi sức, điều trị trước mổ 6 ngày. Sau mổ, người bệnh được điều trị phục hồi chức năng ổn định và ra viện ngày 20-8.

 

“Ngoài trường hợp của bà N.T.B, trong tháng 7 và 8, Khoa tiêu hóa-tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng) cũng điều trị phẫu thuật kết hợp phục hồi chức năng kịp thời cho 3 trường hợp người bệnh viêm sỏi mật cấp có biến chứng trên người bệnh tuổi cao và có nhiều bệnh lý nền phức tạp đi kèm”, PGS.TS, bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trưởng khoa cho biết. Đó là bà H.T.Y, 97 tuổi, ở xã Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo), được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật hoại tử do sỏi trên nền bệnh cao huyết áp; bà N.T.M, 80 tuổi, ở xã An Lư (huyện Thủy Nguyên) được chẩn đoán viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ túi mật trên bệnh nền tăng huyết áp điều trị không liên tục; bà L.T.N, 92 tuổi, ở xã Dương Quan (huyện Thủy Nguyên), được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi trên bệnh nền bệnh viêm dạ dày mạn, thoái hóa đốt sống thể nặng, cao huyết áp…

 

Từ đầu năm đến nay, tại Khoa ngoại 7-Tiết niệu (Bệnh viện Việt Tiệp) tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca mắc sỏi mật. Theo PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Công Bình, sỏi mật là bệnh phổ biến ở Việt Nam, số người mắc chiếm tỷ lệ 3,3 -6,1% dân số, trong đó sỏi túi mật chiếm 58-78% các dạng liên quan đến bệnh sỏi mật. Về độ tuổi, người mắc bệnh sỏi mật thường ở tuổi trung niên (40 tuổi) trở lên, nhưng hiện đang có xu hướng trẻ hóa.

 

Hạn chế đồ ăn nhiều chất béo


Theo các bác sĩ, sỏi mật có nhiều dạng. Trong đó, sỏi cholesterol được hình thành chủ yếu từ sự kết tụ của cholesterol (thành phần có trong dịch mật) do ăn nhiều đồ ăn có chất béo, còn sỏi sắc tố mật thường liên quan đến yếu tố nhiễm khuẩn đường mật, gan, nhiễm ký sinh trùng. Sỏi mật nếu “im lặng” thì không nguy hiểm, nhưng khi có triệu chứng viêm, đau là dấu hiệu cảnh báo biến chứng đang xảy ra. Trong đó, viêm túi mật cấp là biến chứng thường gặp nhất của sỏi mật, đặc trưng bởi tình trạng viêm thành túi mật. Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm sốt và đau vùng bụng trên bên phải kéo dài, đau tăng lên khi sờ, thở sâu và ho; xét nghiệm công thức máu thấy số lượng bạch cầu gia tăng. Mặc dù hiếm khi viêm túi mật gây thủng hoặc vỡ túi mật, vẫn có trường hợp viêm túi mật cấp không được chữa trị kịp thời có thể diễn tiến thành những biến chứng nặng hơn như hoại tử túi mật, thủng túi mật. Khi túi mật thủng, mật sẽ lan tràn vào những cơ quan kế cận như là phúc mạc, gây thấm mật phúc mạc, nặng hơn là viêm phúc mạc mật, sốc nhiễm trùng đường mật... thậm chí dẫn đến tử vong.

 

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Công Bình cho biết, về điều trị bệnh sỏi mật có 3 phương pháp chính, tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Đối với sỏi mật chưa gây triệu chứng, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh kết hợp giảm đau, lợi mật. Khi sỏi mật gây triệu chứng đau, từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp nội soi lấy sỏi qua đường miệng, nội soi tán sỏi qua da, ổ bụng hoặc mổ mở ổ bụng. Còn theo PGS.TS, bác sĩ Trần Hữu Vinh, với các ca sỏi mật, cần điều trị kết hợp phẫu thuật với phục hồi chức năng. Đây là phương pháp tối ưu giúp quá trình cấp cứu và điều trị người bệnh hồi phục nhanh chóng, an toàn. Việc chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng sau phẫu thuật quyết định tới 60% khả năng bình phục của người bệnh.

 

Về biện pháp phòng tránh, phát hiện sớm bệnh sỏi mật, các bác sĩ đều khuyến cáo mọi người, nhất là những người trẻ nên điều chỉnh chế độ ăn uống điều độ, hạn chế đồ ăn có nhiều chất béo để ngăn chặn tình trạng tích tụ cholesterol trong mật. Sỏi mật thường ủ bệnh từ 6-10 năm trước khi gây ra triệu chứng cảnh báo, vì thế người dân, nhất là người có tiền sử nhiễm trùng gan, mật, nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, siêu âm ổ bụng (gan, mật), chụp cắt lớp vi tính để phát hiện sỏi mật, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng viêm túi mật cấp.

 

 Bài và ảnh: Việt Hoàng