Chiếc bình xịt hơi cay

11:23 SA 18/03/2021

 

(HPĐT)- Nhân kỷ niệm 64 năm Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu (21-3-1957 – 21-3-2021), các cán bộ, phóng viên Báo Hải Phòng lại có dịp nhớ về những kỷ niệm thú vị gắn bó với cuộc đời làm báo. Để rồi từ những kỷ niệm không thể nào quên ấy, những người làm báo lại có thêm kinh nghiệm, bài học quý báu để tiếp tục sáng tạo các tác phẩm báo chí chân thực, sinh động, vì sự phát triển của thành phố và đất nước. Trong kỷ niệm của mình, phóng viên Hồng Châm nhớ lại ký ức không quên về chiếc bình xịt hơi cay. 

 

Vào khoảng giữa tháng 7-2019, nhận được thông tin TAND thành phố xét xử phúc thẩm vụ án bị cáo N.T.T ở phường Tràng Cát (quận Hải An) về tội cố ý gây thương tích, tôi tới dự và tác nghiệp như thường lệ. Trước đó, T. bị TAND quận Hải An tuyên phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng.

 

 

Sau khi lấy được thông tin cơ bản diễn biến vụ việc, tôi vòng ra phía sau để chụp ảnh phiên tòa. Khi nhìn thấy tôi giơ máy ảnh lên, bị cáo ra hiệu cho người nhà yêu cầu các đồng chí công an ngăn cản việc chụp ảnh. Một số người nhà của T. tới “hỏi han” tôi với thái độ hăm dọa. Thấy tình hình không bình thường, kết thúc phiên tòa, tôi nhanh chóng ra về. Nhưng khi vừa thấy tôi rời khỏi phòng xét xử, lập tức 4, 5 người nhà của bị cáo bám theo, chặn tôi lại và yêu cầu tôi đưa máy ảnh để xóa hết ảnh về phiên tòa. Tôi bình tĩnh giải thích rõ việc đưa tin hoạt động phiên tòa tuân thủ các quy định tại Luật Báo chí và nguyên tắc đạo đức của người làm báo. Dù vậy, họ vẫn lớn tiếng đe dọa sẽ kiện phóng viên “vi phạm nhân quyền” khi chụp ảnh bị cáo đăng báo mà không xin phép. Khi lực lượng bảo vệ tòa án ra giải tán đám đông, họ mới kéo nhau về. Tôi gọi điện cho đồng nghiệp nam để báo cáo tình hình, đề phòng có chuyện không hay xảy ra.

 

 

Lúc này, bác bảo vệ tòa án chứng kiến vụ việc tới bảo tôi vào phòng ngồi chờ chút cho mọi chuyện lắng dịu. Bác động viên và lấy một bình xịt hơi cay loại nhỏ đưa tôi và bảo: “Cầm lấy. Giờ quay lại tòa, nhờ ai đó chở về. Xe của cô cứ để ở đây. Nếu đi đường mà bị kẻ xấu bám theo hành hung thì cứ dùng cái này xịt thẳng vào mặt chúng mà tự vệ”. Tôi nhìn bình xịt hơi cay rồi nhìn bác bảo vệ cười, cảm thấy vững tin và bình tĩnh trở lại. Sau khi thấy bị cáo cùng người nhà không còn tụ tập trước tòa nữa, tôi quyết định về tòa soạn. Vừa về tới nơi, tôi nhận được điện thoại của đồng nghiệp hỏi đang ở đâu. Thì ra, sau khi nghe tôi báo cáo, anh thu xếp công việc và xuống tòa để “giải cứu” nhưng tôi nhanh chân về cơ quan trước.

 

 

Mấy ngày sau, tôi trở lại tòa và gửi bác bảo vệ chiếc bình xịt hơi cay. Bác dặn sau này mà bị đe dọa, cứ qua đây bác cho mượn mà phòng thân. Từ kỷ niệm này, tôi có thêm kinh nghiệm xử lý với những tình huống bất ngờ trong quá trình tác nghiệp. Bài học mà tôi rút ra là dù xảy ra bất cứ việc gì, sự bình tĩnh, chủ động sẽ giúp mình đưa ra quyết định đúng đắn để giải quyết sự việc. Quan trọng hơn là mỗi phóng viên luôn tuân thủ đúng quy định của Luật Báo chí, các quy định của cơ quan, bám sát cơ sở thì luôn có những chỗ dựa tin cậy để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bất cứ điều kiện khó khăn nào./.