Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính: Tạo thuận lợi cho người dân
Người dân thực hiện thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại Bộ phận “một cửa” UBND quận Lê Chân.
(HPĐT)- Theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay bản chính dùng trong các giao dịch, hồ sơ điện tử. Ngày 1-8 vừa qua, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức được kích hoạt trên địa bàn thành phố, tạo bước đột phá trong triển khai thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử.
Thuận lợi, nhanh gọn
Chiều 12-11, anh Hà Kim Bảo ở phố Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) đến bộ phận “một cửa” UBND quận Lê Chân thực hiện thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Anh chứng thực giấy khai sinh và một số văn bằng, chứng chỉ cá nhân. Sau khi kiểm tra các giấy tờ cần chứng thực bảo đảm các quy định, công chức tư pháp thực hiện quét dữ liệu bản chính lên hệ thống, chuyển hồ sơ trình lãnh đạo kiểm tra, ký số và cấp số chứng thực điện tử. Bản chứng thực điện tử này được đồng bộ về tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia và gửi về địa chỉ thư điện tử do anh Bảo cung cấp. Toàn bộ thủ tục chỉ mất 5 phút với phí dịch vụ 2.000 đồng/bản chứng thực điện tử. Anh Bảo chia sẻ: Việc sử dụng bản chứng thực điện tử rất thuận tiện, không còn phải nộp bản chính để đối chiếu với các giấy tờ điện tử như trước đây, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí giao dịch.
Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kiến Thụy Vũ Thị Vân cho biết: Để triển khai thủ tục này, đơn vị chủ động phối hợp các phòng chuyên môn tham mưu UBND huyện có nhiều chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Dù chỉ có 3 cán bộ tư pháp, song cùng với việc chuyển tài liệu cho cán bộ xã, thị trấn nghiên cứu, đơn vị chủ động tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp qua ứng dụng Zalo để trao đổi thông tin, quay video quá trình thực hiện thủ tục và hướng dẫn trực tiếp qua điện thoại thông minh, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai công việc. Do đó, sau tập huấn, 100% số cán bộ tư pháp xã, thị trấn nắm vững và thao tác thành thạo thủ tục hành chính này và tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trong toàn địa bàn để người dân biết và thực hiện.
Tính từ tháng 8 đến nay, thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được thực hiện tại Phòng Tư pháp quận Lê Chân và tất cả các phường trên địa bàn quận. Đến nay, gần 100 yêu cầu về việc chứng thực bản sao điện tử của người dân được thực hiện thuận lợi. Còn tại huyện Kiến Thụy, một trong các địa phương tích cực trong việc triển khai thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chỉnh, đến nay, 17/18 xã trên địa bàn huyện triển khai dịch vụ này. Riêng từ tháng 10 đến nay, cán bộ tư pháp các xã giải quyết gần 300 hồ sơ yêu cầu chứng thực bản sao điện tử, là huyện có số hồ sơ yêu cầu nhiều nhất thành phố.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Khi sử dụng chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với phần lớn thủ tục hành chính được cung cấp trên môi trường điện tử, không cần nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ. Bên cạnh đó, một bản sao chứng thực điện tử có thể được công dân, doanh nghiệp sử dụng cho nhiều bộ hồ sơ trực tuyến khác nhau (thay vì mỗi bộ hồ sơ phải có một văn bản chứng thực riêng). Do vậy, người dân, tổ chức tiết kiệm được công sức, thời gian, chi phí khi đi chứng thực giấy tờ. Về phía cán bộ, công chức tiếp nhận bản sao chứng thực điện tử cũng có nhiều thuận lợi hơn do bản sao được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể dễ dàng kiểm tra, giải quyết cho thủ tục tiếp theo.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai, nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố chưa có đủ cơ sở vật chất để thực hiện. Theo thống kê của Sở Tư pháp, hiện nay mới chỉ có 134/231 đơn vị bố trí được máy scan để quét dữ liệu điện tử, 768/844 cán bộ tham gia quy trình có máy tính để thực hiện thủ tục trên. Đến nay, các quận Đồ Sơn, Lê Chân, Hồng Bàng có cơ sở vật chất đạt 100%, còn các huyện: Thủy Nguyên, An Lão thiếu cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ trên. Trong đó, huyện Vĩnh Bảo chỉ có 10/30 xã có trang bị máy scan, quận Kiến An chỉ có 3/10 phường được trang bị thiết bị máy móc.
Giám đốc Sở Tư pháp Đỗ Đại Dương cho biết: Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công thực tuyến quốc gia, Sở Tư pháp ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn phòng tư pháp các quận, huyện triển khai. Đến nay chỉ còn huyện đảo Bạch Long Vĩ chưa thực hiện. Thực tế, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử được xử lý toàn bộ trên nền tảng điện tử, phải cài đặt chữ ký số, chứng thư số, yêu cầu công chức tham gia quy trình phải thành thạo công nghệ thông tin và các cơ quan có cơ sở vật chất đầy đủ. Do đó, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động về mục đích, ý nghĩa của việc sử dụng bản sao chứng thực điện tử trong việc phát triển Chính phủ điện tử, Sở Tư pháp tăng cường các lớp tập huấn nghiệp vụ tới cán bộ tư pháp toàn thành phố. Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất tới các đơn vị để triển khai tốt nhiệm vụ này./.