Đồng chí Trần Huy Năng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố: Cần đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trên tất cả lĩnh vực
Về chủ đề đại hội, tôi nhất trí cao vì khá đầy đủ, toàn diện, hợp lý. Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung từ “đầu tàu” trước cụm từ “động lực phát triển của đất nước” để làm rõ hơn vị trí, tầm quan trọng và cũng là trọng trách, truyền thống đã, đang có của Hải Phòng.
Phần đánh giá kết quả 5 năm qua cơ bản đúng, trúng, thể hiện rõ tính trung thực, khách quan, toàn diện và cũng rất khiêm tốn, không tô vẽ, khuyếch trương. Tôi rất ấn tượng, phấn chấn với thành quả đạt được, các chỉ tiêu đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Do đó, tôi đề nghị thêm từ “bứt phá” sau cụm từ “tăng trưởng kinh tế cao, liên tục” để nhân lên hơn nữa niềm tự hào của thành phố Hải Phòng.
Phần hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém cũng khá đầy đủ, bảo đảm tính khách quan và phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố Hải Phòng và cả vùng, cả nước. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị vì sao còn chưa có khu công nghiệp công nghệ cao; môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số cải cách hành chính thiếu ổn định, chưa vững chắc; vì sao 12/51 tiêu chí đô thị loại 1 chưa hoàn thành; vì sao Hải Phòng đang mất dần vị trí trung tâm thể thao thành tích cao… Phần đánh giá “ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế” phân tích còn chung chung, chưa “điểm huyệt” thật rõ nguyên nhân vì sao, trong khi đó đây là 1 trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới. Do đó, cần đánh giá sâu hơn, toàn diện hơn.
Về bài học kinh nghiệm, theo tôi, nên thêm cụm từ “phát huy nội lực” tại bài học 1, bên cạnh cụm từ “bám sát, tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương”. Vì theo tôi, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương thì sự nỗ lực, phát huy sức mạnh nội lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mang lại thành công.
Về phương hướng phát triển, tôi cơ bản nhất trí. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị ban soạn thảo tính toán lại các yếu tố tăng trưởng phù hợp, khả thi, xác định rõ quyết tâm, ý chí vươn lên mạnh mẽ. Đối với hệ thống chỉ tiêu, tôi còn băn khoăn về chỉ tiêu số 13, cụ thể: 5 năm nữa tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ ở mức 40% thì khó có thể đáp ứng yêu cầu hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Cũng như vậy, 5 năm nữa tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật mới có 40-50% cũng cần xem lại, vì như vậy sẽ còn nhiều lo ngại về điều kiện bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
Về nhiệm vụ, giải pháp, báo cáo đề cập rất đầy đủ, phong phú. Tuy nhiên, phần đề nghị ban hành các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá cho Hải Phòng, bên cạnh các cơ chế về kinh tế, xã hội, cần đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đối với hệ thống Đảng, đoàn thể cho đồng bộ và cùng tạo động lực phát triển, nhất là cơ chế về công tác cán bộ, thu hút nhân tài… Đối với giải pháp 6.1 (trang 55) nên ghi thêm cụ thể các môn thể thao truyền thống của Hải Phòng như: bóng đá chuyên nghiệp, thể dục dụng cụ, bóng bàn, quyền Anh… là những môn thể thao đỉnh cao, nổi tiếng của Hải Phòng trước đây nhưng hiện nay có chiều hướng yếu dần, cần sớm vực dậy.
Trong giải pháp 8.3 (trang 63), theo tôi nên đặt mục tiêu “nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị 1 cấp và 2 cấp hành chính với bộ máy tinh gọn…” ngay từ đầu nhiệm kỳ, bởi đây là chủ trương rất cần thiết, phải làm sớm để khắc phục, cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm của thành phố.
Về các đột phá phát triển, tôi đồng tình cao với 3 đột phá được lựa chọn gồm: đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ…; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Để du lịch đạt được mục tiêu như vậy, tôi đề nghị khóa tới, Thành ủy Hải Phòng cần ban hành nghị quyết mới về du lịch, cụ thể hơn nữa so với chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị một số vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố nên có chủ trương và chỉ đạo tiến hành tổng kết thực tiễn công cuộc cách mạng- xây dựng CNXH tại Hải Phòng dưới sự lãnh đạo của Đảng một cách đầy đủ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Bởi qua nhiều khóa và đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội 15, Thành ủy Hải Phòng đã lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân thành phố đạt được những thành tựu ấn tượng, nổi bật; nhiều lĩnh vực vượt lên trước, gấp nhiều lần tăng trưởng của cả nước, đưa diện mạo, thế và lực của Hải Phòng lên tầm cao mới, sang thời kỳ bứt phá mới… Từ đó, thành phố có nhiều kinh nghiệm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, nên đúc rút, tổng kết để phát huy và đóng góp với Trung ương về cả lý luận và thực tiễn, có thể nhân rộng trên cả nước.
Thứ hai, tôi đề nghị nên suy nghĩ thương hiệu của Hải Phòng là gì, nên phát động toàn dân cùng suy nghĩ, đề xuất việc này. Hiện tại, Hải Phòng được mệnh danh là thành phố Hoa Phượng đỏ. Nên chăng có thể suy nghĩ đặt một thương hiệu có tính khái quát, nổi bật hơn như: Hải Phòng - thành phố du lịch, Hải Phòng – thành phố đáng sống…
Thứ ba, các mục tiêu Nghị quyết Đại hội 16 đề ra là rất lớn, thực hiện rất khó. Vì thế tôi đề nghị, sau Đại hội 16, Thành ủy có các chuyên đề làm rõ và định hình một cách khoa học, thực tiễn các vế của chủ đề đại hội để biến thành ý thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các cấp, các ngành. Cụ thể, có thể định hình rõ hơn chuyên đề như: đổi mới mạnh mẽ và toàn diện phương thức lãnh đạo của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống Trung dũng- Quyết thắng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa vào năm 2025; trở thành thành phố hiện đại, thông minh, bền vững; khẳng định vai trò động lực, đầu tàu phát triển của cả nước… Đây là cách học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội một cách tốt nhất, cần thiết nhất để nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.