Dự án nạo vét luồng lạch, kết hợp tận thu khoáng sản: Quản lý chặt, tránh thất thu ngân sách

10:00 SA 01/03/2021

 

Hoạt động nạo vét luồng hàng hải kết hợp tận thu khoáng sản hiện được quản lý chặt chẽ.

 

 

 

(HPĐT)- Sở Tài nguyên- Môi trường vừa trình UBND thành phố xác nhận khối lượng và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác đối với khoáng sản cát thu hồi từ Dự án nạo vét luồng vào bến cá cống Họng và khu neo đậu tránh trú bão tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn đang chuẩn bị triển khai thi công. Đây là một trong những kết quả của việc tăng cường giải pháp quản lý các dự án nạo vét luồng lạch, tránh thất thu ngân sách của Sở Tài nguyên- Môi trường.

 

 

 

Nguy cơ trà trộn “cát tặc”

 

 

Trên địa bàn thành phố có 2 tuyến luồng hàng hải (gọi tắt là luồng) gồm luồng Phà Rừng và luồng Hải Phòng. Luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng từ phao số 0 đến sông Cấm có 3 đoạn chính, gồm: đoạn Lạch Huyện, kênh Hà Nam và Bạch Đằng (sông Cấm). Theo kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải được Bộ Giao thông- Vận tải phê duyệt, giai đoạn 2021 – 2022, trên địa bàn thành phố, luồng Hải Phòng (trừ đoạn Lạch Huyện), Phà Rừng tiếp tục được duy tu, nạo vét. Cùng đó, một số công trình chuyển tiếp từ năm 2020 tiếp tục được thi công trong năm 2021 như: luồng Lạch Huyện, Phà Rừng. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn nhiều dự án nạo vét luồng lạch cảng cá, đường thủy nội địa…Tính bình quân mỗi năm, trên địa bàn thành phố có hơn 10 dự án nạo vét luồng lạch kết hợp tận thu khoáng sản được thực hiện

 

 

Từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án nạo vét luồng lạch thực hiện cơ chế xã hội hóa nạo vét, kết hợp duy tu các tuyến luồng hàng hải với tận thu khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa tuân thủ quy định Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, ngày 28-11-2018 về việc quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Như không thông báo thời gian, khu vực khai thác đến Sở Tài nguyên- Môi trường, chính quyền địa phương. Có tình trạng một số nhà đầu tư khai thác cát trái phép ngoài dự án, khai thác hơn độ sâu thiết kế được duyệt; hay “cát tặc” trá hình đơn vị thi công, lợi dụng khu vực có dự án để trà trộn khai thác trái phép, gây bức xúc dư luận. Việc thi công không bảo đảm quy định bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải. Đặc biệt, cơ quan chức năng không nắm được số lượng cát tận thu từ các dự án nạo vét... Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có giải pháp quản lý hiệu quả.

 

 

Giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác

 

 

Từ thực tế này, cuối năm 2020, Sở Tài nguyên- Môi trường có văn bản đề nghị UBND thành phố tăng cường quản lý các dự án nạo vét luồng để tránh thất thu ngân sách. Đồng thời, Sở Tài nguyên- Môi trường chủ trì, phối hợp kiểm tra, rà soát các đơn vị chủ đầu tư thực hiện các dự án khai đào, nạo vét trên địa bàn thành phố; yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trong diện tích dự án phê duyệt.

 

 

Để phòng ngừa việc chủ đầu tư khai thác vượt ngoài phạm vi dự án nạo vét, tháng 2-2021, Sở Tài nguyên- Môi trường phối hợp với Đồn biên phòng Đoàn Xá xác định tọa độ các khu vực mỏ khai thác khoáng sản; Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng thông qua phương án giám sát, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường trong việc nạo vét và đổ vật liệu nạo vét của các cảng biển trên địa bàn thành phố. Với những giải pháp này, Sở Tài nguyên- Môi trường kiểm soát cơ bản sản lượng khoáng sản từ hoạt động tận thu của dự án nạo vét luồng lạch. Đây là căn cứ để Sở Tài nguyên- Môi trường tính toán số tiền mà doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách; hạn chế tình trạng thất thoát nguồn thu từ dự án nạo vét luồng lạch như thời gian qua.

 

 

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên- Môi trường tập trung thực hiện Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 30-12-2020 của UBND thành phố về thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Kế hoạch nêu rõ, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch thu hồi cát trong diện tích các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa với Sở Tài nguyên- Môi trường, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, UBND quận, huyện nơi thực hiện trước khi thi công để kiểm tra, giám sát. Thực hiện thi công đúng diện tích, ranh giới, nội dung dự án được phê duyệt. Về lâu dài, để bảo đảm sự công khai, minh bạch trong việc quản lý các dự án nạo vét luồng lạch, Sở Tài nguyên- Môi trường phối hợp chủ đầu tư để triển khai công tác đấu thầu dự án nạo vét luồng lạch, khuyến khích doanh nghiệp có năng lực, ứng dụng công nghệ hiện đại. /.